Vẫn “ăn” đất lúa

28/09/2011

Giữ vững diện tích đất lúa là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, với sân gôn có lẽ là ngoại lệ, bởi kể cả khi có “ăn” vào đất lúa, nó vẫn được chấp thuận.

 
Nông dân, sau khi bị thu hồi đất làm sân gôn, sẽ trở nên khó khăn hơn trong cuộc sống
“Đánh bạc” với đất vàng
Dẫn chúng tôi xuống cánh đồng nằm trong dự án làm sân gôn ở thôn K’rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), anh K’Sáu, Chi hội phó Chi Hội nông dân xã Hiệp An cho biết: Cánh đồng lúa nằm giữa thung lũng này rộng 120 ha, là vùng trồng lúa và hoa màu năng suất cao, đã từ lâu là điểm sáng về nông nghiệp của huyện Đức Trọng. Đây cũng là điểm trình diễn mô hình canh tác lúa chất lượng cao, để các xã khác về tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Bà con đã sống trên đất này từ bao đời nay, gắn bó với đất nông nghiệp, thu nhập chính nhờ cây lúa. Thổ nhưỡng ở đây rất tốt, có nguồn nước tự nhiên từ các con suối chạy quanh khu vực được dẫn vào mỗi chân ruộng bằng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Một năm người dân làm được hai vụ lúa, với năng suất 5 tạ/sào, thời gian còn lại trồng rau, hoa lay ơn, cà chua, bắp… thu nhập đạt 30 triệu đồng/sào.
Vậy mà bà con đang yên vui lao động sản xuất, năm 2007 bỗng dưng được thông báo toàn bộ cánh đồng trồng lúa và hoa màu sẽ bị thu hồi để làm sân gôn. Ngay mấy ngày sau, một tấm bảng công bố về dự án được mọc lên ngay ở ngã ba đường vào thôn. Đến nay tấm bảng đã bị gãy đổ thì dự án sân gôn vẫn nằm im, người dân sống trong cảnh mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên bởi vì ruộng đất đã được đo đạc chờ thu hồi và nếu bị thu hồi hoàn toàn đất nông nghiệp, thì người dân sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.
Anh K’Sáu kể, khi Ban đền bù của huyện mời bà con lên thông báo sẽ đền bù mỗi sào lúa từ 18 – 24 triệu đồng, người dân phản đối và bỏ về. Họ đặt câu hỏi với cán bộ, đời sống người dân đã thấp, nay lại còn bị thu hồi đất thì ngang với việc “nông dân đánh bạc với đất vàng”. Mà có đền bù đi nữa, mỗi nhà giỏi lắm được 100 – 200 triệu, tiêu mấy mà hết. Thậm chí có tiền lao vào tệ nạn cờ bạc thì chỉ có nước chết đói. “Bài học thu hồi đất làm sân gôn ở ngay xã Đạ Ròn còn sờ sờ, người dân khóc dở mếu dở. Chúng tôi không muốn dẫm lên sai lầm của họ, bây giờ thử hỏi mức sống của họ ra sao, họ đang chịu cực khổ hay đã giàu lên? Thậm chí có người bán hết trâu vì không còn đồng cỏ để chăn thả. Khi trâu mất thì nghề trồng lúa nước của đồng bào K’Ho cũng bị mai một”, anh K’Sáu chua xót nói.
Xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nơi đây, cuộc chiến của người dân với sân gôn Đầm Vạc vẫn còn rất dai dẳng. Chủ tịch xã Thanh Trù, ông Trần Văn Quốc, thống kê, hiện ở 4 thôn gồm: Thôn Đông, thôn Đoài, thôn Rừng và thôn Vinh Quang vẫn còn khoảng 22 hộ dân không chịu bàn giao đất cho sân gôn Đầm Vạc. Nguyên nhân theo ông Quốc là do mức giá đền bù phía sân gôn đưa ra vào năm 2007 mức “kịch kim” chỉ được 29 triệu đồng/sào. Trong khi đó, giá thị trường hiện nay mà các khu đô thị, KCN trả cho đất canh tác hạng I của nông dân đã lên tới 73 triệu đồng/một sào. Những hộ dân này quyết tâm giữ đất một phần vì mức giá đền bù thấp, một phần khác vì họ nhận thấy những hậu quả nhãn tiền do sân gôn gây ra. Tìm hiểu sâu chúng tôi được biết, dù dân có cương quyết đến mấy thì chủ đầu tư vẫn có cách để lấy đất, cái chính là họ có muốn hay không mà thôi.
Trưởng thôn Vinh Quang, ông Lương Văn Đệ, bày tỏ sự bất lực trước những chiêu bài lấy đất của chủ đầu tư. Ngay như trường hợp đứa cháu gọi ông bằng chú, dạo sân gôn về nó nhất quyết không chịu nhường đất. Giá mặt bằng chung thời điểm ấy được ấn định 10 triệu/một sào. Năm lần bảy lượt chủ đầu tư cho người đến nhà quà cáp, biếu xén mà đứa cháu vẫn không chịu nhận. Khó ở chỗ, đất cháu ông Đệ lại nằm ngay lỗ gôn thứ 18 nên chủ đầu tư ra chỉ tiêu phải lấy được bằng mọi giá. “Cuối cùng thấy hắn khoe chủ đầu tư của sân gôn Đầm Vạc chấp nhận “đi đêm” 150 triệu một sào, gấp hơn chục lần giá sàn, hắn đang cần tiền làm nhà nên giao đất nhưng trên giấy tờ vẫn phải theo giá mặt bằng chung”, ông Đệ kể. Sau đợt thằng cháu ông trưởng thôn “trúng mánh”, nhiều hộ chưa nhận tiền bồi thường được thể đòi hẳn 170 triệu một sào. Thậm chí có gia đình còn chấp nhận dựng nhà ngay trong khuôn viên sân gôn chứ nhất quyết không chịu di dời theo giá mặt bằng chung. Nhưng chỉ được một thời gian, không chịu nổi mùi thuốc sâu phải xuống nước với chủ đầu tư nhưng bị người ta trở mặt: Đất ấy không cần nữa.
Mới, cũ đều “ăn” đất nông nghiệp
Theo báo cáo trình Thủ tướng của Bộ KH-ĐT mới đây, trong tổng số 90 sân gôn đã nằm trong quy hoạch, diện tích đất sử dụng là 15,65 nghìn ha, thì có tới gần 6,4 nghìn ha là đất nông nghiệp, chiếm 41% tổng diện tích sử dụng. Như vậy, mỗi sân gôn trung bình lấy đi của nông dân hơn 700 ha đất nông nghiệp. Làm một phép tính đơn giản, cả nước có 5 nghìn thành viên chơi gôn thì mỗi thành viên đã “ẵm” trọn hơn 1 ha đất. Tính chỉ số thu nhập cơ bản của nông dân: 50 triệu đồng/ha/năm, thì số tiền mà nếu diện tích đất trên dùng để sản xuất nông nghiệp, không phải nhỏ.
Phân tích sâu hơn về hệ quả của việc lấy đất lúa làm sân gôn, GS Tô Duy Hợp, chuyên gia xã hội học, cho rằng, đối với các hộ nông thôn, nguồn gốc chính của nghèo đói là sự hạn chế về số lượng đất thực tế cho từng hộ. Cơ bản hộ nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn mang tính thuần nông, khoảng trên 60% số hộ vẫn làm nông nghiệp thuần túy, số hộ làm nghề nông thủy sản chiếm tới 80%. Tỷ trọng hộ lâm nghiệp rất nhỏ. Tỷ trọng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và xây dựng khoảng gần 6%. Nhóm hộ dịch vụ khoảng 10%. Việc chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp sang mục đích khác, cụ thể là sân gôn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến một bộ phận cư dân, mà đó chủ yếu là người nghèo.
Ông Nguyễn Năng Dũng, Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng, thu hồi đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích khác làm thay đổi cơ cấu nông nghiệp, tạo một luồng lao động tự phát tràn vào đô thị, gia tăng áp lực cho đô thị trong việc trong xây dựng cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội.
“Trong 5 năm trở lại đây, đất nông nghiệp bị thu hồi để triển khai các dự án sân gôn nói riêng và các khu đô thị nói chung đã tác động đến đời sống của hơn 600.000 hộ gia đình với gần 1 triệu lao động và 2,5 triệu nhân khẩu nông nghiệp. Trung bình mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ lấy đi cơ hội việc làm của 13 lao động ở nông thôn”, ông Dũng nói.
Chuyện “lình xình” quanh việc sân gôn ăn đất nông nghiệp chưa qua, thì mới đây, Bộ KH-ĐT lại tiếp tục trình Chính phủ xin cấp phép thêm 25 sân gôn nữa (đã loại 3 sân không đủ điều kiện), nâng tổng số sân gôn trong cả nước lên 115 dự án. Lý giải về việc kiến nghị bổ sung này, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, có GDP thu nhập đầu người hằng năm ở ngưỡng 3 nghìn USD/người/năm, thì việc đưa sân gôn vào quy hoạch nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, du lịch, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và du khách là việc làm cần thiết. Ông Võ Hồng Phúc cũng khẳng định, sẽ dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch các dự án sân gôn sử dụng đất lúa, thậm chí không có một tí đất lúa nào.
Tuy nhiên, trái với khẳng định của ông Phúc, trong tờ trình trên, vẫn có tới 4 dự án “ăn” vào đất lúa. Lý giải điều này, ông Phúc cho rằng, QĐ của Thủ tướng cho phép đưa vào quy hoạch sân gôn đối với những khu vực đất lúa 1 vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích sân gôn được duyệt. Tuy nhiên, dư luận vẫn có quyền đặt dấu hỏi, vì so với tiêu chí “tuyệt đối không có đất lúa” thì rõ ràng quy hoạch bổ sung đã không tuân thủ. Chưa nói đến, nhiều địa phương cho phép chủ đầu tư lập dự án, nhưng buông lỏng quản lý thì hậu quả sẽ hết sức khó lường.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/48/48/84340/Van-an-dat-lua.aspx


Tin khác