Tập trung phát triển nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước

28/09/2011

Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Phát triển bền vững ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Những thành tựu vượt bậc
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp không ngừng phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của kinh tế cả nước. Hơn 25 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển khả quan, trong đó nông nghiệp là một trong lĩnh vực không thể không nhắc tới. Nếu như năm 1989 là năm đầu tiên sản lượng lương thực vượt qua con số 20 triệu tấn, xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 310 triệu USD. Đến năm 2007 sản lượng lương thực đã đạt đến con số kỷ lục 39 triệu tấn và đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD. Và đến 8 tháng đầu năm 2011, mặt hàng chủ lực gạo đã xuất khẩu đạt 5,4 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,7 tỷ USD.
Từ một nước thường xuyên thiếu đói, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba trên thế giới (sau Thái Lan và Mỹ), đời sống nhân dân ngày càng cải thiện về mọi mặt. Hơn nữa, nông nghiệp không chỉ đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị-xã hội nông thôn mà ngày càng tạo ra nhiều hơn nữa những tiền đề vật chất cần thiết, góp phần tích cực vào sự đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong những năm qua.
Riêng trong năm 2010, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2010 đạt 2,8%, cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng trưởng chung của năm 2009 (1,83%). Tính chung giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,36%, vượt mức chỉ tiêu mà ĐH Đảng X đề ra (từ 3 đến 3,2%). Giá trị SX toàn ngành giai đoạn 2006-2010 cũng tăng bình quân gần 5%/năm (vượt so với kế hoạch ĐH X đề ra là 4,5%). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã từng nhấn mạnh:Có thể nói đây là một năm thành công hiếm thấy của ngành nông nghiệp, khi chúng ta vừa được mùa, được giá trên toàn diện tất cả các ngành sản xuất".
Điều đáng nói, trong giai đoạn hiện nay khi đất nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục trụ vững và là chỗ dựa tin cậy của kinh tế trong nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay tiếp tục phát triển nhanh và ổn định, chủ yếu tập trung vào gieo cấy lúa mùa, lúa thu đông và thu hoạch lúa hè thu đạt kết quả tốt.Cùng với đó, chăn nuôi phát triển ổn định và có xu hướng tăng do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản đã được khống chế. Đặc biệt, 8 tháng năm 2011, khối lượng xuất khẩu phần lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 8 ước đạt 2,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm lên 16,4 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 43,9%; thuỷ sản ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12,4%. Với đà khởi sắc này, ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang kỳ vọng vượt mục tiêu đề ra (23 tỷ USD) trong năm 2011.
Nhận xét về sự thành công của ngành nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp khẳng định: năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69% so với năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành năm 2010 vẫn đạt 2,78% (năm 2009 đạt 1,83%). Và trong bối cảnh hiện nay, khi đa số các ngành đang phải nhập siêu thì ngành nông nghiệp vẫn có thể xuất siêu. “Kết quả này là sự kết hợp giữa việc phát huy triệt để nội lực của ngành nông nghiệp và tận dụng mọi cơ hội trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những gam màu tối”.
Tiếp tục nỗ lực vì nền nông nghiệp vững mạnh
Có thể nói, những thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đóng góp cho nền kinh kinh tế thật không hề nhỏ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ. Hiện Việt Nam có hơn 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhưng hầu hết với quy mô nhỏ và họ không gắn kết được với nhau thành những hội nghề nghiệp, hệ thống hợp tác xã. Vì vậy, vị thế người nông dân thấp và khó khăn trong việc đàm phán với đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng một nền nông nghiệp vững mạnh, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có văn bản số 217/TB-VPCP chỉ đạo Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tiếp tục. Cụ thể, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó chú ý đến đặc thù vùng, miền, loại hình sản xuất để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo khả thi và hiệu quả. Cùng với đó, xác định lĩnh vực, ngành, nghề ưu tiên, khâu đột phá để tập trung đầu tư giải quyết, nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của ngành nông nghiệp cả nước; xây dựng mô hình cung cấp đầu vào cho ngành nông nghiệp đảm bảo chất lượng hàng hóa, giá cả phù hợp, kịp thời vụ để giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, xây dựng chính sách để người dân làm nghề rừng, giữ gìn, bảo vệ và trồng rừng có thu nhập ổn định, làm giàu từ nghề rừng tiến tới xóa bỏ tình trạng phá rừng; chính sách nhằm tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các nông, lâm trường; chính sách để ngư dân bám biển, khai thác thủy sản theo hướng bền vững, góp phần tích cực bảo vệ biển đảo, lãnh thổ quốc gia.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết thực hiện Chương trình, nhằm đánh giá những việc đã làm được và đề xuất, kiến nghị giải pháp đẩy nhanh thực hiện, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Có thể nói việc phát triển nông nghiệp toàn diện là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản và nông dân đóng vai trò chủ thể luôn là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Mới đây, trong một buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về tiềm năng thế mạnh và triển vọng phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta, trong đó người nông dân cần phát huy vai trò chủ lực. Việc nâng cao vai trò chủ thể của người nông dân không chỉ là đơn thuần là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, mà đây còn là vấn đề mang tính chiến lược, nhằm xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực tiễn phát triển đất nước những năm qua đã khẳng định tầm vóc chiến lược của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính vì vậy, việc phát triển nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, song tin rằng với những thành tựu đã đạt được và sự nỗ lực không ngừng, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, và đồng bộ và hiệu quả để không ngừng phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=480498


Tin khác