Theo thống kê, cả nước hiện có 260 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 71.400ha. Tuy nhiên, nhiều KCN đang bị bỏ hoang, trong khi người dân mất đất sản xuất, không có việc làm… Đó là hệ quả của việc đầu tư, xây dựng theo phong trào, thiếu tính toán nhu cầu sử dụng thực tế.
|
Nhiều KCN đem lại hiệu quả KT-XH cao nhưng cũng có không ít khu quy hoạch lãng phí.
|
Xây... để đấy!
Không thể phủ nhận, các KCN đã thu hút gần 3.000 dự án với tổng giá trị đầu tư khoảng 20 tỷ USD, tạo thêm việc làm và tăng nguồn thu ngân sách cho nhiều địa phương. Nhưng trước cảnh nhiều KCN bị bỏ hoang, đồng nghĩa với việc hàng ngàn hécta đất nông nghiệp không được sử dụng khiến hàng ngàn nông dân không có việc làm, không có thu nhập thì các địa phương cần xem lại việc quy hoạch phát triển KCN, không nên làm theo kiểu quy hoạch... rồi để đấy.
Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng KCN lớn nhất nước, với 30 KCN, sử dụng trên 9.500ha đất. Tuy nhiên, tới nay, các KCN tại đây mới lấp đầy khoảng 60% diện tích. Trong khi các KCN ở địa điểm đẹp, thuận lợi vẫn chưa lấp đầy thì một số nơi ở vùng sâu, vùng xa vẫn tiếp tục quy hoạch xây dựng KCN. Việc ồ ạt làm KCN ở 10/11 huyện, thị của tỉnh này dẫn đến nhiều chỗ bị bỏ hoang, có nơi phải cho dân thuê lại để trồng sắn.
Theo báo cáo của lãnh đạo xã Long Thọ (Nhơn Trạch), toàn xã có trên 1.000ha đất nông nghiệp thì bị thu hồi gần hết làm KCN, giờ trên 2.000 hộ dân chỉ còn một ít đất vườn, đất thổ cư. Sau khi nhận tiền đền bù, bà con phần lớn mua đất nơi khác, xây nhà ở và chuyển từ nghề nông sang đánh bắt thủy sản trên sông Thị Vải. Trước đây, đàn trâu, bò của xã có khoảng 2.000 con, nhưng nay không còn đất chăn thả nên chỉ còn 90 con.
Cùng với Đồng Nai, Hà Nam đã thu hồi hàng nghìn hécta đất trồng lúa thuộc các huyện nông nghiệp trọng điểm như Đồng Văn, Bình Lục, Thanh Liêm, TP.Phủ Lý… để xây KCN. Toàn tỉnh hiện có 8 KCN với tổng diện tích lên đến 1.985ha và đến nay cũng chỉ phủ lấp được rất ít, như KCN Hòa Mạc rộng 131ha, nhưng mới cho thuê được 4,8ha; KCN Đồng Văn II mới cho thuê được 65,8ha trong tổng số 320ha; KCN Châu Sơn chỉ cho thuê 36,2ha trong tổng số 170ha…
Lãng phí kép
Nhận định về tình trạng ồ ạt quy hoạch, xây dựng KCN, TS. Nguyễn Sĩ Hiển, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến đầu tư Hà Nội cho rằng, đây thực chất là biểu hiện của lối đầu tư ồ ạt theo phong trào, trăm hoa đua nở. Ở nhiều địa phương, làm KCN không tuân theo quy hoạch khiến nông dân mất đất sản xuất, trong khi các KCN lại không kêu gọi được các nhà đầu tư. Nếu đầu tư KCN rồi bỏ hoang thì quả là lãng phí kép. Bởi một KCN loại vừa cũng chiếm khoảng 100ha đất, nếu bỏ hoang thì với sản lượng 10 tấn thóc/ha, một năm nông dân mất tới 1.000 tấn lúa, không những đe dọa tới an ninh lương thực mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng vạn nông dân vốn chỉ biết dựa vào cây lúa.
Cũng theo TS. Hiển, vấn đề không phải nằm ở giá thuê đất mà là môi trường đầu tư, là tổng hòa của các yếu tố bên trong và bên ngoài. Nếu tạo ra môi trường đầu tư tốt, kinh doanh hấp dẫn thì nhà đầu tư sẽ thích vào KCN. Vấn đề ở đây là xây dựng KCN phải có chiến lược, quy hoạch cụ thể, xác định được đối tượng rõ ràng. Trước khi xây dựng KCN hay kêu gọi xúc tiến đầu tư, địa phương phải nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường. Xác định được nhu cầu, ngành nghề, lĩnh vực rồi mới tập trung phát triển, chứ không phải cứ xây dựng rồi mới kêu gọi đầu tư sau.
"Việc đầu tư KCN không thể làm tràn lan. Chẳng hạn như Hà Nội, không thể thu hút đầu tư về dệt may mà nên tập trung vào các ngành công nghệ cao, xem xét cần bao nhiêu đất, xác định được nhu cầu và phải dự báo được cận trên, cận dưới, tình hình thế giới... Bên cạnh đó, khi làm KCN, phải kêu gọi đầu tư một cách chủ động, chọn 1 - 2 ngành nghề trọng tâm", TS. Hiển nói.
Ngoài ra, khi xây dựng KCN, xung quanh nó phải phát triển các hệ thống dịch vụ. Tại Việt Nam, đất ở vùng sâu, vùng xa rẻ nhưng ít ai mua vì ở đó không có những dịch vụ thuận lợi cho đời sống dân sinh. Ngoài ra, khi xây dựng KCN phải thu hút được nguồn lao động, như vậy phải có nhà ở cho công nhân. Về điều này, bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể làm hết được, mà cần có bàn tay của Nhà nước.
Tư duy "nhiệm kỳ"
Trước thực tế các KCN mọc lên như nấm sau mưa, bất chấp các hệ lụy để lại cho kinh tế - xã hội, nhiều người gọi đó là tư duy theo kiểu "nhiệm kỳ". Và để được phân cấp mạnh, lãnh đạo nhiều địa phương luôn muốn tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ bằng mọi giá nên đua nhau "trải thảm đỏ" để lôi kéo, mời gọi các nhà đầu tư.
Theo ông Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thực tế đã khác xa với kỳ vọng của lãnh đạo nhiều địa phương. Nhiều địa phương muốn làm ăn lớn, làm nhanh, làm vội, không cân đối, cứ tưởng mở ra là doanh nghiệp vào nhiều, nhưng thực chất là số lượng doanh nghiệp chỉ có thế thôi. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn 360.000 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Do đó sự phát triển của các KCN hiện nay là sự phát triển không cân đối, không hợp lý, lấy đất giá rẻ để xí phần, nhận chỗ. Có khi diện tích thì rất lớn, nhưng hoạt động thì lèo tèo. Được biết, cả nước hiện chỉ có 50% số KCN lấp đầy với diện tích lớn, còn rất nhiều KCN để trống mấy trăm hécta.
Ông Phạm Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra rằng, nguyên nhân là do phát triển KCN ở ta đã được nhìn nhận quá lạc quan. Nhưng cũng không thể phủ nhận có "ẩn chứa" các lợi ích nhóm ở đây. Địa phương "lách" được gì thì cứ "lách", bởi Nhà nước có chính sách hỗ trợ địa phương khó khăn phát triển KCN. Địa phương xin được cứ xin, chưa kêu gọi được cũng cứ làm để có hỗ trợ từ ngân sách, chưa kêu gọi được thì để đó làm "của để dành". Nhiều lãnh đạo địa phương làm việc theo hệ thống nhiệm kỳ, hết nhiệm kỳ là thôi, không cần tính xa. Cuối cùng thì chỉ khổ nông dân mất đất.
Trên thực tế, nhiều khu chế xuất của chúng ta chỉ mới dừng lại ở khâu giải toả đất đai, xây dựng hàng rào và làm một con đường dẫn vào, chứ bên trong chưa làm được gì. Như vậy thì làm sao có thể thu hút được ai? Lãng phí tài nguyên đất là điều khó tránh khỏi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, tư duy nhiệm kỳ là hiểm họa đối với đất nước và là điều cần phải cảnh báo. "Nhiệm kỳ lãnh đạo của tôi chỉ có 3 năm, 5 năm và tôi làm đủ mọi cách phát huy tối đa quyền lực được giao. Tôi cần làm cái gì đó để ghi dấu ấn, chứ phát triển nông nghiệp thì dễ quá nên tôi phải phát triển khu chế xuất, KCN, khu thương mại, phát triển đường phố… để thông qua đó có được phần thu nhập cho cá nhân, thu nhập cho công quỹ của tỉnh, của huyện… Nếu tình trạng này không được xử lý, không biết vấn đề từ gốc gác, để nó lan từ Trung ương đến địa phương, đến tận phường, xã thì cực kỳ nguy hiểm", ông Thắng nói.
Cùng chung quan điểm này, GS. Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt vấn đề cần phải đổi mới tư duy của lãnh đạo: "Lãnh đạo nào trong nhiệm kỳ của mình cũng muốn hiệu quả phi sản xuất nông nghiệp lớn hơn. Tôi cho rằng, các nhà quản lý cần phải tĩnh tâm, dự án nào có hiệu quả hãy làm. Người quản lý đổi mới tư duy không phải vì lợi ích của mình, mà phải vì lợi ích cộng đồng, lựa chọn cần phải được tính toán từng bước cẩn thận…".
Tiến sỹ Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh tế nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: "Không thể để tình trạng các KCN cắm trên đất lúa của nông dân. Chúng tôi đã có kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có kiến nghị, vùng nào là vùng chuyên canh lúa chúng ta phải giữ lại để đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội".
Theo Kinh tế nông thôn