Triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp từ 1.10: Chờ sự đóng góp của doanh nghiệp

03/10/2011

Kể từ 1.10, việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) chính thức được triển khai trên 20 tỉnh, thành phố cả nước theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ.

NTNN đã trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ NNPTNT xung quanh những công việc cần triển khai, cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho vấn đề này.
Đây là lần đầu tiên nước ta áp dụng thí điểm BHNN trên diện rộng, theo ông sẽ có những áp lực nào về chính sách khi triển khai công việc này?
- Chính sách đối với thí điểm BHNN đã được quy định rất  ràng trong QĐ 315. Theo đó, đối với những hộ nông dân nghèo, sẽ được nhà nước hỗ trợ mua phí bảo hiểm 100%, hộ cận nghèo hỗ trợ 80%, các đối tượng khác được hỗ trợ 60%.
Mỗi lần có mưa lũ lớn, thiệt hại cây lúa của nông dân rất lớn nên bảo hiểm nông nghiệp sẽ “gánh đỡ” khó khăn cho họ.
Tuy nhiên, cũng có một áp lực lớn đặt ra là có nhiều nơi cũng muốn làm, nhưng theo tôi chưa thể làm ngay được, mà hãy tổ chức thành công thực hiện thí điểm ở 20 tỉnh, thành trước để rút ra những kinh nghiệm, cách làm hay trước khi triển khai trên phạm vi cả nước.
Một áp lực nữa là ngân sách hỗ trợ thí điểm BHNN. Thường ở các nước khi làm BHNN, họ hình thành từ 3 nguồn chính, trong đó lớn nhất là từ doanh nghiệp nuôi trồng, tiêu thụ nông sản, sau đó đến nông dân. Người nông dân thì dù thế nào cũng phải nộp, vì quyền lợi và trách nhiệm của chính họ. Tiếp đó là nhà nước, vai trò của nhà nước không thể thiếu trong bất cứ quỹ BHNN của bất cứ quốc gia nào.
Có nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai thí điểm trên phạm vi nhỏ, thì ngân sách nhà nước có thể chịu đựng được để hỗ trợ, một khi triển khai đại trà, áp lực về ngân sách sẽ rất lớn. Vấn đề này cần được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Đúng vậy. Thực ra, khi làm thí điểm ở phạm vi nhỏ, có thể áp dụng hình thức hỗ trợ của nhà nước, còn nếu đã triển khai rộng, thì phải tính toán tới việc xã hội hóa trong BHNN. Đối với hộ nghèo, nhà nước mua bảo hiểm hỗ trợ 100% là chính xác, kể cả phạm vi cả nước vẫn làm được, khó khăn nhất là các hộ cận nghèo.
Muốn giải quyết vấn đề này, theo tôi cần có chính sách để doanh nghiệp thay nhà nước hỗ trợ các hộ cận nghèo, nhất là đối với những doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu các loại hàng hóa như lúa gạo, cà phê, cao su…
Các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng này có thể tham gia cùng nhà nước đóng góp vào một quỹ, để nhà nước dùng làm BHNN, chứ không phải họ làm trực tiếp với nông dân.
Tôi giả sử như ở vựa lúa ĐBSCL, nếu mỗi kg gạo xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua chỉ cần đóng 10 đồng/kg, với mức xuất khẩu như năm nay khoảng 7 triệu tấn, thì đã có 70 tỷ đồng trong quỹ BHNN. Thêm nữa, mỗi nông hộ sản xuất quy mô lớn đóng thêm 5 đồng/kg gạo, thì tổng quỹ này mỗi năm cũng có trên 100 tỷ đồng rồi. Tiền ở đấy chứ đâu. Tôi cho rằng, quan trọng là cách thức huy động thôi.
Được biết, trước đây chúng ta đã từng thí điểm là BHNN nhưng thất bại. Như vậy, để tránh “vết xe đổ” đó, chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để BHNN thực sự đi vào cuộc sống?
- Để tránh được thất bại như trước, việc quan trọng là phải soạn thảo thông tư rất chi tiết. Tôi ví dụ cây lúa thôi, nói thì đơn giản, nhưng cây lúa có tính hàng hóa cao như Đồng Tháp hay Long An thì có thể xây dựng mức bảo hiểm khác, vì đấy là vùng trọng điểm để xây dựng hàng hóa cho xuất khẩu. Còn các vùng như Thái Bình, Nam Định, tiếng là vựa lúa của miền Bắc, nhưng xuất khẩu không nhiều, thì lại phải có mức bảo hiểm khác…
Hay như khu vực các hộ nghèo, nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, thì ở vùng cận nghèo, ngoài 80% hỗ trợ từ nhà nước, thì 20% còn lại ai sẽ nộp, hoặc các khu vực khác nhà nước hỗ trợ 60%, thì nông dân đóng bao nhiêu phần trăm nữa, và DN thu mua nông sản có đóng góp không, hoặc đóng góp thế nào… Tôi cho rằng việc này phải cực kỳ chi tiết để tránh thất bại như trước đây.
“Có thể nói, cho đến nay, Bộ NNPTNT đã ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN, cũng như công bố quy trình sản xuất ở các tỉnh tham gia thí điểm BHNN. Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cũng đã cử hai doanh nghiệp bảo hiểm mạnh nhất ở VN tham gia thí điểm BHNN. Như vậy, có thể nói, chúng ta đang quyết tâm rất lớn để làm BHNN.” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hồ Xuân Hùng
Điều quan trọng khi làm BHNN là phải tổ chức sản xuất, nuôi trồng theo cách chuyên nghiệp, tránh sự manh mún, tự phát, chạy theo phong trào trồng và chặt. Nhưng ở nước ta, đây là điều rất khó. Bộ NNPTNT sẽ có những chính sách gì để khắc phục tình trạng này?
- Có 2 điểm ràng buộc bà con nông dân, đầu tiên là quy hoạch sản xuất. Ví dụ, vùng này triển khai bảo hiểm với cây lúa, nếu trồng loại cây nào khác với quy hoạch sẽ không được tham gia bảo hiểm. Trồng loại cây khác không được lợi hoặc chỉ có lợi một chút trước mắt thì họ sẽ so sánh các điều kiện rủi ro và tôi tin rằng ai tham gia chương trình bảo hiểm sẽ không chặt bỏ loại cây này để trồng cây khác.
Bộ NNPTNT cũng đã ban hành những quy định về loại thiên tai nào, dịch bệnh nào cần được bảo hiểm, bởi thiên tai, dịch bệnh là một khái niệm rất chung. Nếu bất cứ thiên tai nào, dịch bệnh nào cũng được bảo hiểm thì e rằng không triển khai được.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ ban hành các tiêu chí về quy mô chăn nuôi, trồng trọt thế nào thì được bảo hiểm, vì không thể sản phẩm đó làm kiểu gì cũng bảo hiểm được. Ngoài ra, chúng tôi cũng quy định những quy trình công nghệ gì cho chăn nuôi, trồng trọt được bảo hiểm.
Chẳng hạn như trong việc bảo hiểm cho sản xuất lúa, không thể “đánh đồng” lúa ở ĐBSH và ĐBSCL, hay như chăn nuôi thì không thể so sánh Nghệ An với vùng sản xuất thực phẩm hàng hóa ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh được… Nếu “cào bằng” như vậy, BHNN sẽ rất khó thu và rất khó chi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/60233p1c34/cho-su-dong-gop-cua-doanh-nghiep.htm


Tin khác