Chính sách cho người trồng rừng

03/10/2011

Theo ông Mạc Mạnh Đang – GĐ Cty Lâm nghiệp Đoan Hùng thì một trong những yếu tố đầu tiên các tổ chức quốc tế đặt ra khi xem xét cấp chứng chỉ rừng trồng đó là “Quyền sử dụng đất”.

Để sản xuất rừng bền vững thì chủ rừng phải được Chính phủ giao đất lâu dài, nhưng hiện nay do tình trạng quản lí và sử dụng đất lỏng lẻo nên ở các lâm trường vẫn bị vướng mắc vào kiện tụng, tranh chấp đất đai khiến nhiều đơn vị không thể triển khai đăng kí trồng rừng chứng chỉ.
Từ những năm 2000, tổng diện tích đất tự nhiên Chính phủ giao cho các lâm trường trên cả nước khoảng 5 triệu ha, trong đó có xấp xỉ 3 triệu ha rừng tự nhiên và 2,1 triệu ha đất rừng sản xuất. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, các lâm trường bỏ hoang hóa quá nhiều nên người dân địa phương, cán bộ công nhân cũ của các lâm trường lấn chiếm tới 275.000 ha. Ngoài ra, tình trạng giao đất chồng chéo ở các địa phương cũng là một nguyên nhân dẫn tới tranh chấp đất giữa các lâm trường với dân.
Có trường hợp, khi quy hoạch thành lập lâm trường nhưng không đo đạc, phân giới rõ ràng nên chồng lấn lên diện tích đất của dân đang sử dụng. Ở hầu hết các địa phương, vụ việc tranh chấp đất với lâm trường thường ít được quan tâm giải quyết nên tình trạng này kéo dài, càng để lâu càng phức tạp. Tổng diện tích đất tranh chấp kiểu này cũng khoảng 46.000 ha. Như vậy, với 2,1 triệu ha rừng sản xuất được giao các lâm trường đã mất hơn 300 ngàn ha rừng do bị lấn chiếm và tranh chấp.
Năm 2009, tại địa bàn các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn tỉnh Phú Thọ, liên tục xảy ra tình trạng người dân chặt phá cây rừng và ngăn cản không cho các Cty lâm nghiệp trồng, thu hoạch rừng. Công nhân Cty trồng cây ban ngày thì ban đêm dân nhổ đi trồng cây khác. Tình trạng sản xuất như vậy nếu không giải quyết dứt điểm thì không tổ chức nào dám cấp chứng chỉ sản xuất rừng bền vững được.
Cũng trên quan điểm về quản lí sử dụng đất đai, ông Nguyễn Ngọc Lung – Viện trưởng Viện Quản lí rừng bền vững và chứng chỉ rừng, Hội KH-KT Lâm nghiệp lại cho rằng, Chính phủ cần có chính sách nhất quán hơn trong giao đất, giao rừng: “Tình trạng giao đất được 5-10 năm rồi lại thu hồi giao cho dự án khác đang khá phổ biến ở các địa phương, khiến người dân cũng như doanh nghiệp không thể yên tâm bỏ vốn đầu tư”. Thực tế người dân trồng rừng ở miền Trung vừa qua đã phải một phen lao đao khi cây rừng gần đến chu kì thu hoạch thì đất rừng bị thu hồi để trồng cây nguyên liệu khác. Lại có địa phương giao đất rừng cho dân sản xuất được hơn chục năm cũng thu hồi để lập dự án Khu biệt thự sinh thái….
Một vấn đề nữa khiến chương trình trồng rừng chứng chỉ chậm triển khai đó là tâm lý ỷ lại tại các địa phương. Mặc dù lợi ích từ rừng FSC mang lại rất rõ ràng, mô hình được xây dựng ngay trên địa bàn nhưng không thấy địa phương nào chủ động học tập, tuyên truyền vận động nhân dân thành lập nhóm hộ trồng rừng, làm theo mô hình sẵn có mà hầu hết các chương trình trồng rừng FSC hiện nay đều trông chờ, lệ thuộc vào các Dự án tài trợ nước ngoài. 
Trung bình mỗi hộ dân chỉ được giao từ 2-4 ha rừng do vậy không dễ để nhóm các hộ dân thành một diện tích rừng khả dĩ có thể cấp giấy chứng chỉ FSC. Do đó, muốn đạt được 30% diện tích rừng chứng chỉ FSC vào năm 2020 cần phải có hỗ trợ kịp thời về chính sách của Chính phủ.
Để có thể xây dựng một khu rừng chứng chỉ đòi hỏi phải đầu tư một khoản chi phí nhất định để trả cho chuyên gia nước ngoài đánh giá cấp chứng chỉ và chủ rừng phải trả trước 60% chi phí kiểm tra quản lí rừng trong vòng 5 năm.
Chỉ tính riêng tiền vé máy bay đi lại trong khoảng thời gian này cho 01 chuyên gia nước ngoài đã mất vài trăm triệu đồng, chưa kể nhiều khoản chi khác. Với chi phí này ít nhất một doanh nghiệp đầu tư vài  ngàn ha rừng mới có thể sinh lời. Còn đối với một nhóm hộ dân trồng rừng 200-300 ha thì không thể kham nổi. Theo ông Nguyễn Ngọc Lung, các tổ chức cấp chứng chỉ thế giới luôn tạo mọi điều kiện để chúng ta có thể phấn đấu đạt mục tiêu trồng rừng bền vững. Để giảm thiểu chi phí, một đơn vị trồng rừng đạt chứng chỉ FSC ở Việt Nam có thể kết nạp thêm một đơn vị khác, tương tự một nhóm hộ này có thể kết nạp một nhóm hộ khác có trình độ quản lí rừng tương đương rồi báo cáo với tổ chức FSC Quốc tế. Hàng năm, vào đợt kiểm tra định kì, sẽ có chuyên gia nước ngoài sang đánh giá lại, nếu đạt tiêu chuẩn thì mặc nhiên đơn vị hay nhóm hộ đó được công nhận có chứng chỉ FSC.
Chính vì vậy mới cần phải có sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng tổ chức, tập trung nhiều nhóm hộ trồng rừng tham gia chương trình. Diện tích rừng càng lớn, càng tập trung, điều kiện càng thuận lợi cho đánh giá cấp chứng chỉ thì giá thành càng thấp.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/84384/Chinh-sach-cho-nguoi-trong-rung.aspx


Tin khác