Với các doanh nghiệp Việt Nam, khuyến nghị của những nhà cung ứng dịch vụ trung gian sản phẩm phái sinh của các ngân hàng là hãy giao dịch đúng với mục đích đã đặt ra nhằm bảo hiểm rủi ro về giá.
Giải thích về việc nhiều doanh nghiệp cà phê Việt Nam thua lỗ trong khi giá xuất khẩu cà phê liên tục tăng cao và doanh nghiệp có tham gia giao dịch kỳ hạn trên các sàn hàng hóa, cán bộ thuộc bộ phận sản phẩm phái sinh hàng hóa một ngân hàng lớn cho rằng, đó là do các đơn vị này ham mua bán đầu cơ.
Ví dụ, một doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu 100 tấn cà phê, giao hàng vào tháng 12, vào thời điểm đó họ chỉ có trong tay 10 tấn, còn thiếu 90 tấn. Doanh nghiệp sẽ bảo hiểm rủi ro về giá bằng cách chốt hợp đồng mua tương lai tháng 12 với khối lượng 90 tấn.
Trong thời gian đó, doanh nghiệp gom mua của người dân để đủ số lượng 90 tấn xuất khẩu, song chưa gom đủ số lượng cà phê trong dân, thấy giá cà phê trên sàn hàng hóa tăng cao, doanh nghiệp bán hợp đồng tương lai đã chốt với kỳ vọng khi giá xuống sẽ mua lại, đồng thời tập trung thu mua trong dân để có hàng xuất khẩu.
Giá cà phê tiếp tục tăng cao, vượt giá doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu, dân hết hàng nên tăng giá bán ra, doanh nghiệp không gom đủ hàng để xuất khẩu và bị phạt hợp đồng, dẫn đến thua lỗ.
Trong trường hợp này, từ mục đích giao dịch hàng hóa để bảo hiểm rủi ro về giá, doanh nghiệp ham lãi trước mắt, mua đi bán lại đầu cơ khiến mục đích ban đầu thất bại. Đây là lý do giải thích tại sao từ đầu năm tới nay giá cà phê liên tục tăng và ở mức cao nhưng nhiều doanh nghiệp than thua lỗ.
Với thực tế giá các nguyên liệu hàng hóa liên tục tăng nhanh, sau đó sụt giảm mạnh với mức độ biến động rất lớn tới hàng chục phần trăm như thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch hàng hóa trên các thị trường quốc tế đã cháy tài khoản ký quỹ, dẫn đến thua lỗ và gây ra tâm lý e ngại sử dụng công cụ giao dịch phái sinh để bảo hiểm rủi ro về giá.
Có 2 lý do được các ngân hàng tổng kết dẫn đến thua lỗ của doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch hàng hóa: không tuân thủ đúng chiều giao dịch thuận – ngược và giao dịch không sát khối lượng giữa hàng thực và hợp đồng tương lai.
Không loại trừ có doanh nghiệp dựa vào phân tích và trải nghiệm thực tế của mình trong ngành, chấp nhận mạo hiểm đã thắng lợi, những số lượng này rất thấp. Với doanh nghiệp sản xuất, mục tiêu phòng ngừa rủi ro về giá mới là cao nhất.
Theo thống kê tại một số ngân hàng, lượng khách hàng giao dịch hàng hóa để bảo hiểm rủi ro về giá với các mặt hàng bông, kim loại, đậu tương (thức ăn gia sức) đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ công cụ này, nhiều doanh nghiệp đã tránh được thua lỗ rất lớn trong hoạt động xuất khẩu hàng dệt may, nhập khẩu thép và thức ăn gia súc khi giá nguyên liệu biến động mạnh.
Tổng giám đốc một công ty dệt may lớn cho biết, giá bông nguyên liệu đã tăng 500% trong 2 năm qua, quí 1 năm nay ghi nhận mức giá cao kỷ lục 2,27 đô la/lb, sau đó giảm 50%, rồi lại tăng mạnh. Hợp đồng xuất khẩu quần áo được công ty này ký từ đầu năm, chốt giá trước, nhờ sử dụng hợp đồng mua tương lai, doanh nghiệp không lo về nguyên liệu, tất nhiên phải chấp nhận bỏ ra một khoản phí.
Tuy nhiên, câu chuyện về phí bảo hiểm tương lai cho các giao dịch hàng hóa đang là mối e ngại với nhiều doanh nghiệp. Giám đốc bộ phận dịch vụ ngân hàng so sánh, giống như khách hàng mua bảo hiểm thân vỏ xe hơi, kết thúc năm không có sự cố gì xảy ra, chủ xe tiếc 10 triệu đồng và tự nhủ giá như không mua bảo hiểm, hoặc cho rằng có kinh nghiệm đi xe rồi nên năm sau quyết định không mua bảo hiểm nữa, nhưng sau đó xe lại bị cây đổ va phải, anh lại ước giá như mình đã mua bảo hiểm.
Không ít doanh nghiệp thấy mức phí của sản phẩm phái sinh khá cao đã e ngại hoặc cho rằng, việc giao dịch tương lai không cần thiết. Do đó, so sánh với các doanh nghiệp có nhiều mặt hàng xuất khẩu tương đồng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia…, tỷ lệ sử dụng sản phẩm phái sinh của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp.
Một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng cho thấy, doanh số mua bán ngoại tệ giữa khách hàng và ngân hàng ngày càng tăng cao trung bình 20 – 30%/năm nhưng các giao dịch giao ngay chiếm từ 90 – 95%, giao dịch quyền chọn ngoại tệ chỉ chiếm từ 5 – 10%. Trong khi đó, quyền chọn ngoại tệ lẽ ra là công cụ phái sinh được doanh nghiệp quan tâm do những ưu điểm vốn có của nó trong bối cảnh tỷ giá luôn trong trạng thái tăng, giảm bất thường.
Theo Đầu tư chứng khoán