|
Những ngôi nhà nằm hoang tàn bên nương sắn, mía xanh mướt.
|
Không một bóng người
Vượt qua đoạn đường dài 15km từ trung tâm huyện lỵ Yên Định với lởm chởm đất đá, ổ gà, ổ voi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được "thủ phủ" của làng tái định cư. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo, hoang tàn, có ngôi nhà đã mất nửa mái, có nhà bị sập hoàn toàn, chỉ còn trơ lại mấy bức tường loang lổ.
Chúng tôi gặp Lưu Thị Hồng khi chị đang làm cỏ cho vườn sắn. Gia đình chị là 1 trong 2 hộ còn sót lại ở khu kinh tế mới. Chị Hồng tâm sự: "Lập gia đình xong, tôi theo chồng chuyển vào đây sinh sống cho đến bây giờ. Vào đây mới thấy khổ đủ đường, đã gần 11 năm trôi qua mà khu tái định cư vẫn trong tình trạng không điện, không nước, trường trạm cũng không, đường dẫn vào đây chỉ là một lối mòn. Biết khổ nhưng do gia đình nghèo khó nên cũng không biết chuyển đi đâu".
Anh Lâm, chồng chị Hồng cho biết thêm: "Ban đầu, ở đây có khoảng 10 hộ sinh sống, nhưng do thiếu thốn nhiều thứ nên họ đã bỏ làng. Từ đó đến nay dự án cũng không có ai ngó ngàng tới, chẳng khác gì "đem con bỏ chợ". Ngay cả tiền Nhà nước hỗ trợ để đào giếng, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được".
Được biết, khu kinh tế mới này được đầu tư hàng trăm triệu đồng, khi các hộ gia đình vào sinh sống sẽ được cấp 200m2 đất ở, được hỗ trợ một phần tiền xây móng nhà và tiền đào giếng. Ban đầu, dự án nhận được sự đồng tình của người dân nên triển khai rất nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục ngôi nhà mới đã mọc lên, các cặp vợ chồng trẻ kéo nhau vào ở, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Nhưng niềm vui ấy đã nhanh chóng vụt tắt, thay vào đó là những lo lắng, khó khăn chồng chất. Nước sinh hoạt thường xuyên phải đi xin, tối đến người dân chỉ biết làm bạn với chiếc đèn dầu... Chính vì những bất cập đó mà lần lượt những cặp vợ chồng trẻ theo nhau bỏ đi...
Chính quyền vô cảm?
Dự án phát triển kinh tế mới mang tính chiến lược, thể hiện đúng chính sách di dân nội tỉnh của Thanh Hoá. Thế nhưng điều đáng buồn là khi làm việc với những người có liên quan, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời rất mông lung.
Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Yên Giang cho biết: "Trước đây, tôi có nghe nói về dự án này, thế nhưng hồi ấy tôi chưa giữ chức nên không biết cụ thể. Còn hiện nay, khu kinh tế mới chỉ còn 2 hộ, còn lại chuyển đi nơi khác hoặc quay về chính nơi họ đã ra đi. Nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng thiết yếu như đường, trường, trạm, nước sinh hoạt không có hoặc không được đầu tư đúng mức".
Còn bà Ngô Thị Hoa, Chủ tịch UBND huyện Yên Định nói: "Bản thân tôi không nắm rõ dự án di dân phát triển kinh tế cụ thể như thế nào, chỉ biết hiện tại các hộ gia đình trong khu dự án đã bỏ đi nơi khác; những công trình nhà cửa do dân và Nhà nước xây dựng đã hoang hoá 10 năm qua. Hiện dự án do Chi cục Định canh, định cư Thanh Hoá làm chủ đầu tư, vì thế muốn biết cụ thể hơn, các anh có thể gặp lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh".
Chính sách di dân xây dựng vùng kinh tế mới luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, bởi một mặt, nó giảm bớt mật độ dân số ở miền xuôi và các thành phố lớn; mặt khác còn góp phần khai phá những vùng đất mới, hoang hoá, giúp người dân tận dụng tốt lợi thế của mỗi vùng miền để xoá đói, giảm nghèo. Chính vì thế, huyện Yên Định cũng như tỉnh Thanh Hoá cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn trên để giúp người dân yên tâm xây dựng cuộc sống mới.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/9/30454.html