Kon Tum tổng kết 10 năm chương trình cơ khí hóa nông nghiệp

03/10/2011

Ngày 28-9, tại TP Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện chương trình phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn (1991-2010). Đồng chí Phạm Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND 9 huyện, thành phố của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị do lãnh đạo Sở Công thương Kon Tum trình bày khẳng định: Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trìnhphát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn (1991-2010) đã từng bước đi vào cuộc sống, có tính thiết thực cao, phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế nông thôn của tỉnh. Đến nay, tổng tỉ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp của tỉnh đạt 138,8 HP (HP= tổng công suất máy móc nông nghiệp hiện có)/100ha. Hiện tại, tất cả diện tích canh tác tập trung tại các huyện, thành phố đã được sử dụng nguồn động lực chủ yếu từ 12-28 HP phục vụ khâu canh tác trên đồng. Đối với những diện tích chuyên canh và tập trung đã được cơ giới hóa 100% trong công tác tưới tiêu. Khâu chăm sóc diệt cỏ, trừ sâu đã được trang bị 100% loại hình bơm đeo vai thủ công. Đã trang bị 100% các máy đập lúa di động phục vụ khâu thu hoạch, sử dụng các máy sạ lúa rãi hàng tập trung tại các địa phương có diện tích trồng lúa nước lớn. Khâu chế biến nông sản, vận chuyển nông thôn đã từng bước được cơ giới hóa…
Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, đó là: còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan ban, ngành và chính quyền địa phương trong hỗ trợ đầu tư mua sắm máy móc phát triển cơ khí, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, nơi không cần lại được cấp, nơi cần thì không có, có nơi được cung cấp trang thiết bị nhưng tính năng không phù hợp với điều kiện canh tác (như ruộng bậc thang lại cấp máy cày tay có rơ mooc, máy tuốt lúa gắn động cơ; hộ nghèo lại được cấp máy sấy nông sản nên dẫn đến tình trạng máy nhận về đã không được sử dụng…).
Bài học kinh nghiệm mà Hội nghị rút ra là: Trong quá trình thực hiện, các cơ quan hữu quan cấp tỉnh (như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Ban Dân tộc) cùng nhau phối hợp tốt với chính quyền cấp huyện và xã trong công tác hỗ trợ máy móc cơ khí phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ phải gắn với nhu cầu thiết thân của mỗi địa phương, người dân. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nâng cao ý thức sử dụng, bảo quản để kéo dài tuổi thọ của máy móc…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Phạm Thanh Hà nhấn mạnh: Chương trình phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn là đề án có quy mô đầu tư rộng khắp, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn; qua đó cải thiện, nâng cao mức sống người dân ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng nông thôn mới. Do đó, đồng chí Phó Chủ tịch yêu cầu từ bài học kinh nghiệm rút ra tại Hội nghị, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương có những giải pháp khắc phục tồn tại, phát huy ưu điểm để thực hiện tốt hơn chương trình trong thời gian tới tại địa phương, góp phần đưa nhanh chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=481837


Tin khác