Tại các tỉnh miền Bắc, diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen trong tháng 9 còn lại trên 368 ha, trong đó nhiễm nặng gần 30 ha, diện tích lúa phải tiêu hủy, cộng dồn từ đầu vụ khoảng 140 ha. Đáng chú ý là diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen đã giảm mạnh gần 10 ngàn ha với cùng kỳ năm trước, tập trung phổ biến tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Điện Biên, Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, cá biệt ở một số địa bàn hẹp tại các tỉnh Thái Nguyên, Điện Biên, Hòa Bình, lúa có tỷ lệ nhiễm bệnh lên tới 30-50% số dảnh.
Diện tích lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ trên 100 ngàn ha, trong đó nhiễm nặng khoảng 35 ngàn ha, diện tích nhiễm và nhiễm nặng đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Các địa bàn sâu phát sinh gây hại nặng gồm: Thái Bình, Lai Châu, Bắc Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hoà Bình, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Đáng chú ý, diện tích lúa nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng thuộc địa bàn Bắc Trung bộ tăng mạnh và khá bất thường so với mọi năm, tập trung nhiều ở các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Tuy nhiên, sau đợt mưa to kéo dài vào đầu tháng trên địa bàn, đã kịp thời hạn chế đáng kể mức độ gây hại và lây lan của rầy. Tổng diện tích nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng lên gần 85 ngàn ha, trong đó tập trung gây hại chủ yếu trên lúa thuộc địa bàn Bắc Trung bộ với trên 62 ngàn ha lúa bị nhiễm, với gần 14 ngàn ha bị nhiễm nặng, riêng diện tích bị cháy rầy gần 100 ha.
Còn tại các tỉnh miền Nam, tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá là 613 ha, tăng 598 ha so với cùng kì năm trước, trong đó diện tích nhiễm nhẹ 553 ha có tỷ lệ bệnh từ 3-10%; diện tích nhiễm trung bình 60 ha có tỷ lệ bệnh từ 10-20%. Bệnh cũng tái xuất hiện tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang.
Đối với bệnh rầy nâu, diện tích nhiễm trên 19 ngàn ha, giảm 35 ngàn ha so với cùng kì năm trước, mật độ phổ biến từ 1.000–2.000 con/m2, nơi cao >3.000-7.000 con/m2 với diện tích nhiễm 2.300 ha. Các tỉnh có rầy nâu xuất hiện phổ biến gồm:Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An,...
Bệnh đạo ôn cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong tháng 9 có 12.106 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, giảm 13.481 ha so với cùng kì năm trước; 11.631 ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, giảm 5.298 ha so với cùng kì năm trước. Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-10%, nơi cao có 60 ha với tỷ lệ nhiễm bệnh trên 20%. Các tỉnh có bệnh xuất hiện nhiều gồm: Khánh Hoà, Gia Lai, Đăk Lắc, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long,...
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong tháng 9 ngành đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc cán bộ kỹ thuật tích cực thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, dự báo chính xác và phát hiện kịp thời nên đã hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng, trừ đạt hiệu quả cao. Đáng chú ý, Cục đã khuyến cáo nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học theo hướng hiệu quả bền vững và an toàn với môi trường.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=482052