Chia sẻ trách nhiệm trong bảo hiểm nông nghiệp

05/10/2011

Nông nghiệp - nông dân - nông thôn (NN-ND-NT) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của nước ta. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp (SXNN) lại thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó, những rủi ro về thiên tai không chỉ gây nên cảnh đói nghèo trước mắt của người dân mà còn ảnh hưởng lâu dài, là tác nhân gây cản trở trực tiếp tới sự phát triển kinh tế bền vững.

Vì vậy, việc triển khai nhiều hình thức huy động tài chính cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai là rất cần thiết, trong đó hình thức bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đóng vai trò rất quan trọng.
Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay, tại Việt Nam có 29 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ và hai doanh nghiệp tái bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm (BH) gốc trong lĩnh vực BH phi nhân thọ năm 2010 đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, nhưng doanh thu phí BHNN chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,015%), và cũng chỉ có 2/29 DN đang triển khai hoạt động BHNN và hai DN khác đang chuẩn bị triển khai hoạt động này. Sở dĩ như vậy bởi hoạt động BHNN đã được các DNBH thực hiện từ rất sớm nhưng không thu được thành công như mong đợi. 
Từ năm 1982, thực hiện nhiệm vụ của một doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Tổng công ty BH Bảo Việt đã tiến hành chương trình BH cây lúa tại huyện Vụ Bản (Nam Ðịnh). Kết quả cho thấy, phí BH thu được là 556 nghìn đồng, kinh phí bồi thường là 464 nghìn đồng, tỷ lệ tổn thất lên đến 83,5%. Năm 1983, các thông số trên lần lượt là 790 nghìn đồng, 300 nghìn đồng và 37,9%. Từ năm 1993, BH mùa màng đã được triển khai tới các hộ nông dân của 12 tỉnh trong cả nước (An Giang, Bình Ðịnh, Bình Thuận, Bắc Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Ðồng Tháp, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Sóc Trăng và Vĩnh Long), nhưng tổng diện tích được BH quá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1,16% tổng diện tích gieo trồng toàn quốc (năm 1995) và 0,27% (năm 1997) nên hiệu quả đạt được không đáng kể.
Bên cạnh hoạt động BH cây lúa, các chương trình BHNN khác cũng không thu được kết quả như mong đợi của các DNBH. Với việc BH rừng và cây cao-su, Bảo Việt cũng lâm vào tình trạng diện tích được BH chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với diện tích gieo trồng thực tế: Cây cao-su chỉ đạt 10% được BH (doanh thu phí BH trong ba năm 1996, 1997 và 1998 là 3,4 tỷ đồng, bồi thường 200 triệu đồng), còn diện tích rừng thì chỉ được BH một vùng 20 nghìn ha ở Kiên Giang. Việc BH cây bạch đàn làm nguyên liệu giấy thì mới chỉ BH cho một dự án liên doanh trồng rừng có 44 nghìn ha trong hai năm 1997, 1998, với phí BH thu được 120 nghìn USD. Riêng BH vật nuôi thì trước đây Bảo Việt có triển khai một số nơi, nhưng công ty thấy không hiệu quả và đã dừng. Trong những năm gần đây, Bảo Việt chủ yếu triển khai BHNN cho hai đối tượng là cây cao-su (Bình Phước, Tây Ninh) và bò sữa (Kon Tum). Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh không cao, tỷ lệ bồi thường chiếm hơn 80% so với doanh thu phí BH, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ bồi thường của các nghiệp vụ BH khác của Bảo Việt.
Không chỉ có DNBH nhà nước bị thua lỗ trong hoạt động BHNN mà các DNBH nước ngoài cũng gặp phải tình trạng này. Công ty TNHH BH tổng hợp Groupama Việt Nam, một công ty BH của Pháp bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001. Groupama đã có hơn 100 năm kinh nghiệm cung cấp BHNN tại Pháp, và đã rất chủ động trong việc khởi động BHNN tại các quốc gia khác như Mê-hi-cô. Mặc dù vậy, Groupama cũng không thành công với BHNN ở Việt Nam, doanh thu thấp, bồi thường cao, liên tục lỗ từ khi thành lập đến nay.
Ngoài hai DN đã triển khai BHNN nêu trên, Tổng  Công ty cổ phần (CTCP) Bảo Minh và CTCP BH Agribank đang chuẩn bị triển khai hoạt động này. Trong đó, Bảo Minh triển khai BH tín dụng khoản vay phục vụ SXNN theo chỉ số thời tiết ở Ðồng Tháp. Tuy nhiên, do mức phí tương đối cao (khoảng 15% giá trị khoản vay) nên phía ngân hàng cũng không mặn mà với dịch vụ này. Còn CTCP BH Agribank được phép triển khai BHNN nhưng hiện nay cũng đang dừng ở mức nghiên cứu đề án tiền khả thi triển khai BHNN.
Qua phân tích kết quả triển khai BHNN thời gian qua, có thể thấy rất hạn chế. Doanh thu hằng năm thấp,  nhưng chi phí bồi thường cao, tỷ lệ bồi thường quá cao. Ðiều đáng nói là tỷ trọng doanh thu BHNN rất nhỏ so thị trường BH phi nhân thọ. Rõ ràng, nếu để các DN tự triển khai thực hiện thì việc triển khai BHNN không đạt hiệu quả tốt, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đề ra cũng như hỗ trợ nông dân khi xảy ra tổn thất. Cây lúa là cây có tầm quan trọng hàng đầu, nhưng vào thời điểm hiện nay vẫn chưa được BH.
Trong những năm qua, nhận thức lĩnh vực NN-ND-NT luôn có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đến an ninh chính trị, KT-XH, do vậy, Ðảng và Nhà nước đã xác định dịch vụ sản phẩm BHNN phải mang tính chất là dịch vụ (hàng hóa) công. Vì vậy, nếu chỉ để cho DNBH tự triển khai theo hướng thương mại như đã từng làm thì không đạt hiệu quả cũng như mục tiêu đặt ra. Mặt khác, với cơ sở là đã có 29 DNBH phi nhân thọ hiện đang triển khai các loại hình BH, trong đó có hai DN đã có kinh nghiệm thực tiễn triển khai... thì việc thực hiện thí điểm BHNN phù hợp để triển khai ra diện rộng trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách. Quá trình triển khai loại hình BH này cần phải được thực hiện theo nguyên tắc là Nhà nước phải đóng vai trò "trụ cột", DNBH là phương tiện, công cụ thực hiện cụ thể chủ trương, đường lối, chính sách về BHNN. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nhà nước cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc  ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích các DNBH, người dân, các tổ chức, hộ gia đình SXNN tham gia BH, đồng thời, Nhà nước bảo đảm chính sách hỗ trợ để BHNN được hiệu quả; tạo điều kiện cho các DNBH trong việc hạch toán kinh tế và chủ động phát triển sản phẩm. Hơn nữa, việc thực hiện thí điểm BHNN phải là sự kết hợp hỗ trợ của Nhà nước góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn, sự thực hiện của các DNBH và sự tích cực tham gia BH của người SXNN, phải khuyến khích được việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào canh tác, nuôi trồng...
BHNN là nghiệp vụ BH rất phức tạp, việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn nhưng lại có vai trò rất lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững KT-XH. Chính vì vậy, các nước có hoạt động BHNN đều nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ mặc dù các chương trình BH thường rất tốn kém. Do vậy, để triển khai thí điểm BHNN ở Việt Nam thành công, cần có sự chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, DNBH và nông dân một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được hỗ trợ tham gia BHNN, cũng như phối hợp và tạo điều kiện tốt cho các DNBH triển khai hoạt động này.
Theo Nhân dân

Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/chia-s-trach-nhi-m-trong-b-o-hi-m-nong-nghi-p-1.314897#vnuvgAfTF09H


Tin khác