Cụ thể, tại Thái Bình, Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình (TSC) đã nghiên cứu, lai tạo thành công thêm nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao. Đó là các giống lúa TBR45, Thái Xuyên 111, TBR36, TBR999... Các giống lúa này đều là những giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon, sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, chống chịu được sâu bệnh.
Đặc biệt, giống lúa TBR45 là giống lúa thuần do công ty chọn lọc, hạt dài, chất lượng gạo thơm, có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, năng suất tương đối cao đạt trung bình từ 70-75 tạ/ha.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, TSC đã có nhiều giống được Bộ Nông nghiệp &PTNT công nhận giống quốc gia. Cụ thể, như giống TBR1, là giống cao sản, thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng chịu rét ở vụ xuân và kháng bệnh bạc lá vụ mùa, thích ứng rộng trên mọi chất đất, chống đổ tốt; năng suất đạt 8 – 10 tấn/ha/vụ. Hay như giống BC15, là giống chủ lực của tỉnh từ năm 2008 trở lại đây, được nông dân tiếp nhận rộng rãi; năng suất đạt 8 – 10 tấn/vụ và có chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, đậm. Hiện Thái Bình đang trình Bộ Nông nghiệp & PTNT đặc cách công nhận giống TBR45 là giống quốc gia...
Tại Vĩnh Phúc: Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã chọn và tạo thành công hai giống lúa thơm chất lượng cao QR1 và VS1 trên diện tích 2ha tại thôn Bầu Long Trì, thị trấn Hợp Hòa. Hai giống lúa này có nhiều ưu điểm vượt trội so với đối chứng như chất lượng gạo ngon, hạt nhỏ, bóng, có mùi thơm nhẹ, cơm nấu không dính, hạt cơm dai và có vị đậm. Đặc biệt hai giống lúa này có giá trị kinh tế cao, có thể chống chịu rầy và sâu cuốn lá hơn giống lúa HT1 đang trồng đại trà trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc nhiều giống lúa bị thoái hóa, bị nhiễm rầy và nhiễm bệnh nặng, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên sử dụng. Bên cạnh đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng bị thu hẹp, sản xuất luôn bị tác động xấu của thiên tai, lũ lụt.
Việc nghiên cứu, khảo nghiệm và chọn lọc thành công hai giống lúa thơm chất lượng cao QR1 và VS1 đã bổ sung kịp thời vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, đồng thời giúp rút ngắn được thời gian để làm vụ đông sớm đáp ứng được yêu cầu thực tế, mở ra hướng xuất khẩu lúa gạo cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại huyện Yên Hưng (Quảng Ninh): Vụ lúa đông xuân năm 2010- 2011, UBND huyện Yên Hưng phối hợp với Viện nghiên Cứu Cây lương thực và thực phẩm và Viện khoa học Nông Nghiệp Việt Nam đưa vào gieo cấy thử nghiệm gống lúa mới P9. Sau hơn 4 tháng gieo cấy giống lúa P9 cho kết quả tốt. Giống lúa mới chất lượng cao P9 được đưa vào gieo cấy khảo nghiệm tại xã Liên Vị- huyện Yên Hưng, với tổng diện tích 15ha, có 143 hộ nông dân tham gia gieo cấy khảo nghiệm mô hình.
Qua gặt thử nghiệm, tiến hành thăm các mô hình, được đánh giá; giống lúa mới chất lượng cao P9 cho kết quả rất tốt. Lúa có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa khác như; sức kháng bệnh cao, chống rét tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng tại tất cả các vùng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện, gieo cấy được cả hai vụ, năng suất sản lượng hơn hẳn các giống lúa khác, đạt từ 62 đến 70tạ/ha. Gạo thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng…
Từ kết quả này, Viện nghiên cứu cây lương thực và thực phẩm và Viện khoa học Nông Nghiệp Việt nam, tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng giống lúa P9 cho bà con nông dân huyện Yên Hưng, để tiến tới đưa vào gieo cấy đại trà, thay thế những giống lúa cho năng xuất thấp.
Tại Nghệ An: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT & PTNT) tỉnh Nghệ An, đề tài “Nghiên cứu phát triển lúa gạo hàng hóa chất lượng cao” do sở phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ NN & PTNT) thực hiện đang mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó xác định được một bộ giống lúa chất lượng cao thích hợp với điều kiện khí hậu, tự nhiên, chất đất tại Nghệ An, đồng thời xây dựng được bộ quy trình kỹ thuật thâm canh cho năng suất cao và chất lượng gạo tốt.
Đề tài đã chọn các giống lúa thơm để nghiên cứu trong nhiều vụ sản xuất tại các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và từ đó đánh giá đặc điểm nông học, khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu sâu bệnh. Theo kết quả phân tích, có 4 giống lúa chất lượng cao là HT9, HT6, N46, TL6 cho năng suất ổn định từ 62 đến 65 tạ/ha, có thể gieo cấy hai vụ trong năm là vụ xuân và vụ hè thu, mang lại chất lượng gạo tốt. Từ đó, Sở NN & PTNT tỉnh Nghệ An và Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã thống nhất đưa 4 giống lúa trên vào sản xuất để phát triển lúa gạo hàng hóa chất lượng cao trên đồng ruộng Nghệ An.
Tại Cần Thơ: Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cũng đã tổ chức họp hội đồng nghiệm thu đề tài “Chọn tạo giống lúa năng suất-chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa TP Cần Thơ”. Theo Ban chủ nhiệm đề tài (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long), bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ năm 2009, đến nay đã chọn tạo được 3 giống lúa mang thương hiệu Cần Thơ (Cần Thơ 1, Cần Thơ 2, Cần Thơ 3) và phục tráng thành công các giống lúa: Jasmine 85, OM 4900 và IR 64 đạt năng suất, chất lượng cao. Các giống lúa mới này được lai tạo dựa trên cơ sở kết hợp phương pháp lai truyền thống và công nghệ sinh học nên mang những đặc tính nổi trội như: khả năng kháng một số loại sâu bệnh, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau, thích hợp trồng nhiều vụ trong năm, cho năng suất cao, ổn định, phẩm chất gạo tốt, hương thơm đặc biệt...
Tại Tiền Giang: Trong vụ hè thu 2011, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã trồng khảo nghiệm 218 giống lúa mới do Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ và các cơ quan khoa học nông nghiệp khác cung cấp trên diện tích 13.000 m2 tại Trại giống Vĩnh Hựu (Gò Công Tây).
Qua đánh giá từ kết quả sản xuất thực tế, Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang chọn lại được 10 giống mới chủ yếu thuộc bộ OM: OM 6932, OM 6327, OM 6916, OM 3673... có những ưu điểm vượt trội tiếp tục trồng khảo nghiệm trong vụ đông xuân tới để có cơ sở khoa học, thực tiễn trước khi đưa ra trồng đại trà tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, kháng rầy, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, kháng cháy lá, chống chịu sâu bệnh đồng thời phù hợp với từng vùng sinh thái như: khu vực nhiễm phèn, mặn, ngập lũ, canh tác theo mô hình luân vụ lúa + tôm...
Có thể nói với việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo ra những thành công đáng ghi nhận đối với ngành nông nghiệp. Việc nhiều giống lúa mới, đạt chất lượng cao được nghiên cứu, ứng dụng thành công ở nhiều địa phương đã và đang tạo ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy ngành nông nghiệp ngày càng phát triển.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=481897