Công ty cổ phần cao su Sơn La gắn sản xuất với thực hiện an sinh xã hội

04/10/2011

Trong quy hoạch lại rừng ở Tây Bắc, cây cao su được xem là một lợi thế, giải pháp quan trọng tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Khác với mô hình sản xuất ở các địa phương khác, phát triển cây cao su ở Công ty cổ phần cao su Sơn La được thực hiện theo mô hình người nông dân góp đất và được nhận vào làm công nhân. Theo mô hình này, người nông dân vừa không bị mất đất, vừa có vốn góp vào Công ty, được chia cổ tức khi Công ty có lãi và kết hợp được phát triển chăn nuôi tại chỗ.

Theo ông Võ Nhật Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là một cách làm mới, có nhiều ưu điểm hơn so với các phương thức hợp tác khác như đầu tư tiểu điền, chia sản phẩm,… Công ty cổ phần cao su Sơn La là đơn vị đầu tiên thực hiện phương thức sản xuất này và đang trong quá trình hoàn thiện. Phương thức sản xuất này hướng tới hỗ trợ nông dân phát triển đại điền để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững. Ông Võ Nhật Duy cũng cho rằng, vì đây là phương thức sản xuất mới, nên rất cần có sự nghiên cứu kỹ để đảm bảo các yếu tố về pháp lý, về lợi ích của các bên, do đó, trong thời gian qua, Công ty đã dành nhiều thời gian cũng như sự quan tâm để đưa ra các giải pháp áp dụng thực hiện.
Cỏ được trồng xen với cao su để làm thức ăn chăn nuôi
Theo số liệu của Công ty cổ phần cao su Sơn La, tổng diện tích đất bàn giao đã trồng cao su là 5.871,65ha, trong đó diện tích đất bàn giao năm 2010 là 1.433,45ha. Tổng số hộ góp đất trong 4 năm (từ năm 2007 đến năm 2010) là 6.046 đã hoàn thành hồ sơ góp đất; đã hoàn thành hồ sơ cổ đông cho 2.810 hộ với diện tích 2.433,3ha. Trong kế hoạch năm 2011, tỉnh Sơn La bàn giao 2.100ha tại xã Xuân Nha huyện Mộc Châu để trồng cao su, trong đó có 63ha rừng giao cho Công ty quản lý khoanh nuôi.
Nhờ thực hiện mô hình nông dân góp đất, cũng như người dân địa phương được nhận vào làm công nhân, nông dân đã kết hợp mô hình trồng cao su với trồng xen để để tạo thêm lương thực cho đồng bào cũng như thức ăn chăn nuôi. Năm 2010, diện tích trồng xen đạt 2.292 ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, Công ty đã trồng xen được 2.100 ha, trong đó diện tích trồng ngô là 1.850 ha, lúa: 26,25 ha; bông: 43 ha; trồng cỏ: 155 ha; còn lại là trồng nghệ, đậu,… Để định hướng cho nông dân có cơ sở tổ chức xen canh trong những năm tiếp theo, Công ty đã phối hợp với Viện Nghiên cứu miền núi phía Bắc và Công ty Bông miền Nam trồng thí điểm các loại cây ngắn ngày như lúa nương, đậu các loại, bông vải, cỏ chăn nuôi,… trong vườn cao su để tìm ra loại cây trồng phù hợp để tăng thu nhập cho người dân. Qua hình thức trồng xen, đã tạo điều kiện nông dân tăng thêm thu nhập, phát triển chăn nuôi, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng từng bước ổn định hơn. Giống cỏ được trồng xen chủ yếu là cỏ ghine. Loại cỏ này có tác dụng vừa làm thức ăn cho bò, vừa có tác dụng che phủ đất chống xói mòn và cải tạo đất.
Ông Võ Nhật Duy cho biết thêm, để hỗ trợ đồng bào phát triển chăn nuôi trâu, bò, theo hình thức nuôi nhốt, Công ty đã cho công nhân là đồng bào vay vốn không tính lãi. Năm 2010, Công ty đã hỗ trợ 126 hộ vay nôi bò không lãi với số tiền 680.400.000 đồng. Luỹ kế từ năm 2008, đã có 1.003 hộ được vay vốn không lãi với số tiền 5.414.850.000 đồng (tương ứng với 1.004 con bò) để nuôi nhốt chồng. Nhờ nguồn thức ăn bảo đảm, nên đàn bò ở đây phát triển tốt, sau 3 năm, đã tăng lên 1.153 con và nông dân đã hoàn ứng được 3.051.500.000 đồng. Ngoài việc cho công nhân vay vốn nuôi bò, Công ty đã cho 846 hộ ứng số tiền 460.000.000 để sửa nhà, chữa bệnh. Số tiền này được Công ty trừ dần qua lương hàng tháng. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Công ty cũng thăm và tặng quà cho 121 gia đình thương binh liệt sỹ với số tiền 38.800.000 đồng và hỗ trợ mỗi năm cho một gia đình có 3 người con bị tật nguyền ở huyện Thuận Châu cho đến khi học đại học với số tiền 5.000.000 đồng/năm; hỗ trợ kinh phí tổ chức các ngày lễ lớn ở địa phương và hỗ trợ cho đồng bào các dịp lễ, tết 329.350.000 đồng…
Điểm đáng chú ý, cùng với hoạt động sản xuất, và công tác xã hội, Công ty có chủ trương hỗ trợ 50% giá trị và cho tạm ứng trừ lương 50% để mua máy tính về bản. Công ty đã giải quyết thí điểm cho cán bộ tổ trưởng, đảng viên được 34 máy, với số tiền 164.350.000 đồng. Được sự giúp đỡ của cán bộ công nghệ thông tin của Công ty, hầu hết đảng viên, cán bộ ở các bản đã sử dụng được máy tính để theo dõi tình hình hoạt động sản xuất cũng như lập các tài liệu phục vụ cho công tác Đảng, đoàn thể, đồng thời cập nhật được chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước cũng các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội.
Nhờ đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, nên tình trạng cho vay nặng lãi từ vay nợ giống, phân để sản xuất và kinh doanh hầu hết không còn. Do đã có tiền lương hàng tháng và Công ty cho ứng vốn không tính lãi để mua phân, giống, nên tình trạng “bán thóc non” không còn xảy ra. Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng trồng cao su từng bước ổn định hơn, với thu nhập bình quân 1.940.929 đồng/người/tháng.
Có thể thấy, chủ trương phát triển cây cao su của Chính phủ, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La là đúng đắn, góp phần xoá đói giảm nghèo tiến tới làm giàu chính đáng của người dân địa phương và khơi dậy được nguồn lực to lớn của địa phương để “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác