Nước mắm Nha Trang từ lâu nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thơm, ngon đặc trưng. Hiện nay, do gặp nhiều khó khăn nên hầu hết các cơ sở chuyển sang sản xuất nước mắm nguyên liệu cho các doanh nghiệp ở địa phương khác thay vì sản xuất hoàn chỉnh nước mắm Nha Trang như trước đây.
Ông Nguyễn Phi, chủ một cơ sở chế biến nước mắm ở phường Vĩnh Trường cho biết, mấy năm gần đây ông đã dừng hẳn việc sản xuất nước mắm chai hoàn chỉnh để chuyển sang làm nước mắm nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
Nước mắm nguyên liệu bà con thường gọi là mắm thô. Chỉ cần doanh nghiệp đến kiểm tra rồi ký hợp đồng cung cấp số lượng là cơ sở này chế biến hàng loạt. Mỗi tháng, ông Phi cung cấp khoảng 30.000-50.000 lít nước mắm cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương.
“Tính ra giá bán thấp hơn giá thị trường nhiều nhưng tiêu thụ với số lượng lớn, lấy tiền một lần nên dễ trang trải nhiều việc khác”, ông Phi cho biết.
Ông Trần Văn Trực, chủ Cơ sở sản xuất nước mắm Ngọc Hà cho biết, giá bán nước mắm thô không cao bằng nước mắm chai, nhưng được đảm bảo đầu ra ổn định, không phải mất thời gian tìm kiếm thị trường như mắm chai.
Mỗi năm cung cấp hàng trăm ngàn lít nước mắm thô, việc sản xuất nước mắm chai, xây dựng thương hiệu nước mắm Nha Trang ngày càng trở nên xa vời với ông Trực bởi nhiều lẽ, trong đó khâu tiếp thị không có.
Theo Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, hiện toàn thành phố có khoảng 70 doanh nghiệp, cơ sở, mỗi năm sản xuất khoảng 40 triệu lít nước mắm. Trước đây, các cơ sở này đều tập trung sản xuất nước mắm thành phẩm, đóng chai có thương hiệu riêng để tiêu thụ.
Do khó khăn trong việc xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra cho nướ mắm chai nên đa số doanh nghiệp đều nhận sản xuất nước mắm thô cho các doanh nghiệp lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương.
Một số cơ sở vì tiếc thương hiệu của gia đình bao năm gầy dựng nên sản xuất cầm chừng nước mắm chai bên cạnh nước mắm thô. Những hộ không đủ sản lượng để hợp đồng cung cấp nước mắm thô thì thu hẹp dần quy mô sản xuất.
Trong khi đó, nước mắm thô của Nha Trang được các doanh nghiệp nhập về pha chế cộng thêm những chiến dịch quảng bá rầm rộ, mạng lưới phân phối phủ rộng đến với người tiêu dùng bằng những thương hiệu khác đã dần thay thế nước mắm chai cổ truyền của Nha Trang.
Chị Nguyễn Thị Sinh, một trong những hộ còn lại sản xuất nước mắm chai cổ truyền ở đường Tân Hải, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang lo lắng: “Nước mắm cổ truyền bây giờ rất khó khăn, chỉ còn khoảng 30-40% so với trước kia. Vài năm nữa khó mà theo được vì thu hồi vốn chậm, giá lại cao nên không bán được”.
Cách đây 5 năm, nhãn hiệu nước mắm Nha Trang được Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cũng được thành lập với hơn 30 thành viên để tập hợp cơ sở chế biến nước mắm nhằm phát triển và bảo vệ thương hiệu nước mắm Nha Trang. Thế nhưng, đến nay, chỉ còn chưa đến 10 hội viên, rất nhiều người đã chuyển hẳn sang gia công thay vì tập trung phát triển thương hiệu nước mắm Nha Trang.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Thư ký Hiệp hội Nước mắm Nha Trang chia sẻ, điều trăn trở nhất là những người làm nước mắm Nha Trang chưa có một tiếng nói đồng thuận. Đèn nhà ai nhà nấy rạng, mạnh ai nấy làm, ảnh hưởng đến giá trị, chất lượng, thương hiệu của nước mắm Nha Trang. Bản thân Hiệp hội chưa có sức thuyết phục, người dân chưa thấy hiệu quả mà Hiệp hội mang lại.
Thực tế, hầu hết cơ sở chế biến nước mắm ở Nha Trang không còn mặn mà với thương hiệu đã gây dựng hàng trăm năm. Nếu như các ban, ngành ở địa phương không có giải pháp hiệu quả thì thương hiệu nước mắm Nha Trang bị mai một là điều khó tránh khỏi./.
Theo VOVonline