|
DN XK hàng sang Hoa Kỳ cần chú ý các đạo luật của họ để tránh thua thiệt.
|
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, nhiều năm qua Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Để duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững vào thị trường Hoa Kỳ, các DN cần phải nắm vững những đạo luật mới được ban hành tại quốc gia này.
Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) là cơ quan liên bang độc lập chịu trách nhiệm bảo vệ công chúng khỏi những rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm. CPSC kỳ vọng các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu hàng vào Hoa Kỳ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng tại đây. Năm 2010, doanh số bán hàng những sản phẩm sang Hoa Kỳ thuộc quản lý của CPSC đạt 1.400 tỉ USD với khoảng 15.000 loại sản phẩm.
Ông Richard O'Brien, Giám đốc Các chương trình quốc tế và các vấn đề liên chính phủ thuộc CPSC cho biết, hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải tuân thủ các quy định của Đạo luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA) năm 2008. Thông qua CPSIA, Quốc hội Hoa Kỳ đã ấn định các mức tiêu chuẩn mới khắt khe hơn đối với nồng độ chì trong các sản phẩm được thiết kế chủ yếu dành cho trẻ dưới 12 tuổi.
Cụ thể, từ ngày 14/8/2011, Luật này quy định hàm lượng chì trong một sản phẩm không được vượt quá 100 phần triệu ppm. Đối với sơn và lớp phủ bề mặt sản phẩm mà trẻ có thể tiếp cận, ngậm vào miệng hay nuốt chỉ cho phép tối đa 90 phần triệu ppm. Luật mới cũng đòi hỏi hàng hóa phải có nhãn mác truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và giấy kiểm định chất lượng an toàn sản phẩm của bên thứ ba độc lập (các phòng thí nghiệm được CPSC chấp nhận) thì mới được thông quan vào Hoa Kỳ.
|
Đóng gói trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
|
Theo ghi nhận của CPSC, trong khoảng từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, đã có 65 mặt hàng nhập khẩu sản phẩm trẻ em tại Hoa Kỳ bị thu hồi, chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ chơi, giường cũi, xe tập đi… Sản phẩm bị thu hồi nhiều nhất là quần áo trẻ em với các lỗi phổ biến như áo khoác, áo ấm có dây buộc quanh mũ hoặc ở cổ khiến trẻ bị nghẹt thở, nghẽn mạch, hay quần áo có vật dễ tháo, dẫn đến nguy cơ trẻ có thể nuốt…
Doanh nghiệp bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ cần hiểu rõ thông tin tại website http://www.safeproducts.gov. Đây là diễn đàn để người tiêu dùng trao đổi về độ an toàn của một sản phẩm, hữu ích cho cả người tiêu dùng, nhà sản xuất, xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Ông Jeffrey Hilsgen, Giám đốc CPSC khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, qua kênh thông tin này, nhà sản xuất có thể thông tin đến người tiêu dùng, ngược lại, người tiêu dùng có thể tìm hiểu những sản phẩm an toàn trước khi quyết định mua hàng. Đồng thời, khi có những phản ánh về sản phẩm, người tiêu dùng có thể lập báo cáo gửi lên để chuyển đến nhà nhập khẩu và nhà sản xuất. Ông Jeffrey Hilsgen cũng chia sẻ, phần lớn nội dung trong website này dùng tiếng Việt, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên mạnh dạn đăng ký để sớm nhận được phản hồi từ người tiêu dùng, từ đó tránh những vi phạm về an toàn sản phẩm.
Luật pháp Hoa Kỳ cho phép CPSC có quyền linh hoạt trong xử lý hàng hóa vi phạm. Theo đó, CPSC có thể ra quyết định phạt tiền đối với nhà nhập khẩu và nhà sản xuất vi phạm với mức cao nhất là 15 triệu USD. CPSC cũng có quyền vào bất cứ doanh nghiệp, nhà xưởng nào để kiểm tra đột xuất. Hàng hóa khi bị thu hồi sẽ phân thành hai loại: hàng hóa mới về cảng, chưa lưu thông vào thị trường nhưng đã vi phạm, nếu nặng sẽ bị tiêu hủy tại chỗ; nhẹ thì CPSC sẽ làm việc với nhà nhập khẩu cùng nhà sản xuất, hàng hóa sẽ bị giữ và phải sửa chữa ngay tại cảng hải quan. Đối với hàng hóa đã lưu thông bị thu hồi, nhà sản xuất phải đổi lại sản phẩm hoặc trả lại 100% tiền cho người mua; trường hợp hàng hóa vi phạm có tính chất độc hại, ngoài khoản tiền trả lại còn phải đền bù cho khách hàng.
Theo ông Richard O'Brien, từ đầu năm 2011 đến nay, Việt Nam có 6 sản phẩm bị thu hồi tại Hoa Kỳ, chủ yếu là quần áo trẻ em, găng tay, giường ngủ, ghế gỗ…, trong đó hàng dệt may chiếm tỷ trọng cao nhất. Chính vì vậy, khi sản xuất hàng dệt may dành cho trẻ em, nhà sản xuất cần hết sức chú ý khi thiết kế các chi tiết, sử dụng nguyên liệu có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn cho trẻ.
Theo Kinh tế nông thôn