Vốn cho doanh nghiệp: Cần sự vào cuộc đồng bộ

19/10/2011

Trong năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát, trong đó cùng với cắt giảm đầu tư công, chỉ tiêu tăng tín dụng năm 2011 giảm còn dưới 20%. Giảm tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với việc vốn đến tay doanh nghiệp ít đi. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề về vốn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

60% doanh nghiệp đang hoạt động khó khăn
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện có 20% doanh nghiệp bị phá sản, 60% doanh nghiệp giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Nguyên nhân của thực trạng này là do các doanh nghiệp khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Thực tế hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó, thêm vào đó, lãi suất lại cao, dù vậy, số lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay cũng không phải nhiều. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ về thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ cho thấy, rất ít doanh nghiệp có thể vay vốn từ ngân hàng. Điển hình tại Quảng Bình, chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được vốn từ ngân hàng thương mại. Lãi suất thỏa thuận lên đến 20% là phổ biến. 
Lãi suất cao, thời hạn cho vay ngắn, đang tạo ra sức ép khó khăn cho các cơ sở sản xuất, đó là chưa kể đến những chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, vật liệu… đang tăng cao khiến các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn về vốn. 
Mặc dù từ đầu tháng 9 đến nay đã có tín hiệu giảm lãi suất ngân hàng và việc tiếp cận nguồn vốn cũng dễ dàng hơn, song thực tế doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với mức lãi suất lên đến 20%, trong khi hoạt động sản xuất không mang lại nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, hầu hết các khoản vay đều là ngắn hạn vì vậy rất khó khăn trong việc đầu tư, xoay vòng đồng vốn.
Do khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, điển hình là ngành xây dựng. Mới đây, công đoàn ngành xây dựng đã có kiến nghị gửi lên Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về những khó khăn của ngành. Cụ thể là chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2011, ngành xây dựng đã có 25 công trình phải tạm giãn tiến độ do không thu xếp được vốn để tiếp tục thi công; 1.118 lao động mất việc làm; 4.549 lao động không đủ việc làm. Điển hình là có 66 doanh nghiệp nợ lương người lao động với tổng số tiền 134 tỷ đồng; 79 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội với tổng số tiền 85 tỷ đồng.
Thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp còn mất khách hàng và dẫn đến làm ăn thua lỗ, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), các doanh nghiệp Việt Nam không dám ký hợp đồng lớn và hợp đồng dài hạn với khách hàng nước ngoài vì không có đủ vốn sản xuất, do vậy dẫn đến mất khách hàng, làm ăn kém hiệu quả….

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã phải co hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, tạm dừng hoạt động hoặc chuyển đổi, chuyển giao một phần sở hữu để tồn tại, thậm chí một số phải ngừng hoạt động. Điển hình như: Hải Phòng, Đắk Lắk có gần 30% doanh nghiệp đình trệ sản xuất, có nguy cơ phá sản; Ninh Bình có 90% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng...
Cần giải pháp đồng bộ
Thực tế cho thấy, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển hiệu quả sẽ có tác dụng thiết thực góp phần kiềm chế lạm phát. Thúc đẩy tăng nguồn hàng xuất khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu cũng là góp phần chống lạm phát một cách bền vững.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, cụ thể đó là cần sự hỗ trợ của Chính phủ, của Nhân hàng Nhà nước và hơn bao giờ hết là bản thân các doanh nghiệp cần biết điều hòa nguồn vốn, đảm bảo sao cho có hiệu quả.
Thực tế, thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó đã chỉ đạo các ngành liên qua cần phải linh hoạt, đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra hàng loạt biện pháp để hạ lãi suất, giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn....

Có thể nói, việc hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết để giúp doanh nghiệp có thể đứng vững. Bên cạnh việc quy định và quản lý mức trần lãi suất ngân hàng thương mại cho vay phù hợp với thực tế khó khăn hiện nay, để cho doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Các Ngân hàng thương mại cần minh bạch về chính sách cho vay cả về lãi suất, tăng hạn mức và thời hạn cho vay, đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp… có như vậy, mới tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp, tránh gây khó khăn, thiệt thòi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, một trong những giải pháp lâu bền giúp doanh nghiệp có thể trụ vững đó là lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức nhằm quản lý và sử dụng đồng vốn hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải mang tính cơ hội gây thất thoát và lãng phí vốn. Thực tế, trong khoảng thời gian khó khăn vừa qua, trong khi không ít doanh nghiệp ngồi than thở và chờ Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp hạ lãi suất thì một số doanh nghiệp đã có những bước thay đổi chiến lược quan trọng, tạo nên thành công cho doanh nghiệp.
Một giải pháp quan trọng nữa là bài toán về quản trị con người, quản trị năng suất lao động, quản trị chi phí sản xuất. Ông Trịnh Thanh Huy, Chủ tịch của Công ty Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án Diamond Island đã cho biết: “Nếu như các nhà thầu điều tiết hợp lý hơn tỉ lệ sử dụng lao động tại công trường và có mức thu nhập thỏa đáng khích lệ nhân viên thì năng suất lao động có thể tăng từ 3-5 lần, chi phí nhân công có thể giảm 30-40%. Từ đó, giúp giảm giá thành sản phẩm từ 5-10%. Các chi phí quản lý chung như dàn giáo, thiết bị, khấu hao cũng giảm đáng kể”.
Ngoài ra, trong bối cảnh như hiện nay, các doanh nghiệp và ngân hàng cần có một tiếng nói chung trong quan hệ tín dụng. Cụ thể, đối với doanh nghiệp cần đánh giá lại tình hình tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng chiến lược đầu tư sản xuất phù hợp và mở rộng các kênh huy động vốn... Đối với các ngân hàng, chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp bổ sung vốn đầu tư, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay... giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có điều kiện để hoàn vốn. 

Mong rằng với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành liên quan và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, những khó khăn đang hiện hữu sẽ được các doanh nghiệp chủ động vượt qua, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo chỗ đứng bền vững cho doanh nghiệp trên thị trường.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=483900


Tin khác