Mía "đắng" ở vùng lũ

19/10/2011

Niên vụ 2011 - 2012, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 48.000ha mía, tập trung nhiều ở Long An, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre. Do ảnh hưởng của nước lũ dâng nhanh, ở mức cao và và kéo dài nên chất lượng mía sụt giảm, nhiều diện tích có nguy cơ chết do ngập kéo dài, khiến nông dân thất thu nặng.

Nông dân xã Long Hưng (Mỹ Tú-Sóc Trăng) tất bật bán mía non.
Bán mía non chạy lũ
Hậu Giang là một trong những địa phương duy trì và phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía lớn nhất ĐBSCL với 13.500ha, tuy nhiên, bà con nơi đây đang lo sốt vó bởi nước lũ lên nhanh làm 8.000ha mía bị ngập sâu trong nước từ 5 - 15cm. Nhiều người đang ùn ùn bán mía chạy lũ, dù diện tích mía chết chưa nhiều.
Anh Trần Văn Thành ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình (Phụng Hiệp) cho biết: "Nếu thu hoạch ngay thì năng suất và chữ đường rất thấp, nhưng nếu để vài ngày nữa, khi mía chìm quá lâu trong lũ thì có khi còn mất trắng".
Anh Nguyễn Văn Hoà ở ấp Tân Hoà, xã Long Hưng (Mỹ Tú - Sóc Trăng) đứng cân mía bán cho thương lái, nói: "So với năm trước thì lợi nhuận năm nay giảm mạnh, bởi chi phí đầu tư tăng nhưng năng suất giảm do bị sâu bệnh và lũ lớn. Hiện thương lái mua vào với giá 800 - 850 đồng/kg, giảm 250 - 300 đồng/kg so với đầu vụ, trừ chi phí, nông dân chỉ còn lãi khoảng 20 triệu đồng/ha".
Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp) Nguyễn Văn Chiến cho biết: "Vụ mía này, địa bàn xã Hiệp Hưng có 2.034ha mía, đang chuẩn bị thu hoạch thì đã có trên 80% diện tích bị ngập lũ. Do quá nhiều người kêu bán nên tiến độ thu mua rất chậm. Bà con muốn bán càng sớm càng tốt, dù giá thấp bởi nếu để mía kéo dài trong lũ thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn".
Nhà máy quá tải
Trước tình hình lũ đe dọa vùng mía nguyên liệu khu vực ĐBSCL, tại Hậu Giang đã có 4 nhà máy đường vào vụ sớm là Phụng Hiệp, Thới Bình, Vị Thanh và Long Mỹ Phát để giúp dân chạy lũ.
Ông Lê Văn Khánh, thương lái mua mía ở xã Hiệp Hưng cho biết: "Mỗi ngày tại cầu cảng nhà máy đường Vị Thanh có khoảng 10.000 tấn mía chực chờ đến lượt cẩu. Ghe mía về đến cầu cảng nhà máy cũng phải chờ 4 - 5 ngày mới cân được. Do vậy, chữ đường sẽ tiếp tục giảm, cả nông dân và thương lái đều chịu thiệt".
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết: "Các nhà máy rất cố gắng nhưng do áp lực bán mía chạy lũ quá nhiều nên vẫn bị quá tải. Chỉ riêng 2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh, mỗi ngày có từ 600 - 700 ghe túc trực chờ bán mía. Điều đáng lo ngại là lũ vẫn đang tiếp tục lên và người dân bán mía tăng từng ngày nên chuyện ùn ứ mía sẽ khó tránh khỏi".
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/10/30747.html


Tin khác