Cuối năm giá thịt lợn tăng và không khan hàng

18/10/2011

Giá thịt lợn đang ở mức cao đỉnh điểm tự nhiên lao dốc, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm sẽ nhích lên nhưng không có sự đột biến như thời gian qua. Ông Sơn cho hay:

Sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn trong 9 tháng đầu năm 2011 diễn ra không thuận lợi nên giảm khoảng 3,7% về đầu con nhưng lại tăng 2,6% về sản lượng thịt hơi so với cùng kỳ năm 2010. Hiện, chăn nuôi trang trại, công nghiệp đang phát triển nhanh, chủ yếu về quy mô, trong khi chăn nuôi nông hộ giảm dần. Tính đến ngày 30/9/2011, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 27,2 triệu con, tăng 3,3% so với hồi tháng 4 (26,3 triệu con).
Thưa ông, hiện có sự chênh lệch giá bán giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, nguyên nhân này từ đâu?
Chúng ta đều biết lĩnh vực chăn nuôi đang tồn tại nhiều bất cập mà mâu thuẫn lớn nhất là sự chênh lệch giá giữa người bán (tại chuồng) và người tiêu dùng (tại chợ). Điều đó nói lên sự bất cập trong việc phân phối các sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung. Cụ thể là, chúng ta chưa tổ chức được hệ thống phân phối sản phẩm nên trong chuỗi giá trị chăn nuôi, thương lái là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất, người sản xuất hưởng rất ít, còn người tiêu dùng hầu như không được hưởng lợi gì (khi giá xuống). Điều này thể hiện khá rõ vào thời điểm hiện nay khi giá bán tại chuồng thấp hơn giá thị trường 20-25%.
Những tháng cuối năm có xảy ra khan hàng không, thưa ông?
Thường thì những tháng Tết nhu cầu về thịt sẽ tăng từ 10-15% và với lứa chăn nuôi mới, hy vọng giá sẽ phục hồi. Trên cơ sở đà tăng trưởng như hiện nay, mỗi tháng cả nước sản xuất được khoảng 242.000 tấn thịt xẻ các loại, có thể đáp ứng đủ nguồn cung trong nước. Dự đoán tốc độ chăn nuôi các tháng cuối năm sẽ tăng với tỷ lệ cao hơn so với 9 tháng đầu năm, trong đó đàn gia cầm và lợn tăng trưởng cao so với năm 2010 do động lực của giá thịt lợn hơi cao, khuyến khích người chăn nuôi mở rộng quy mô. Nếu điều kiện tự nhiên cho chăn nuôi được duy trì và kiểm soát dịch bệnh tốt thì năm 2011, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm có thể đạt mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, trong 4 tháng còn lại (từ nay đến Tết) chúng ta sẽ vẫn phải nhập thêm từ 30.000-35.000 tấn thịt, chủ yếu là gia cầm.
Ông dự báo là sản xuất trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu, vậy tại sao vẫn phải nhập thêm?
Nhập khẩu thịt lợn chiếm tỷ lệ thấp, tương ứng 7% tổng sản lượng thịt nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm nên sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá bán trong nước.
Chúng ta không thể cấm nhập khẩu, bởi chúng ta hoạt động theo cơ chế thị trường và những cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, chúng ta phải tính tới việc thắt chặt, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt nhập khẩu, tránh hiện tượng doanh nghiệp nhập hàng sắp hết hạn với giá rẻ về bán. Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành thông tư kiểm soát hàng nhập khẩu và thời gian tới sẽ tăng cường các biện pháp kiểm dịch.
Những giải pháp trước mắt và lâu dài mà Cục đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi là gì, thưa ông?
Một trong những giải pháp đầu tiên cần được chú trọng là phải tháo gỡ dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, mà trực tiếp là Cục Thú y đã có văn bản tăng cường chỉ đạo dập dịch. Thứ hai, phải áp dụng mọi biện pháp nhằm ngăn chặn tái phát dịch cúm gia cầm và heo tai xanh.
Còn tình hình khó khăn về vốn cho các hộ chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung. Chúng tôi hy vọng kiến nghị này sẽ nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư chăn nuôi. Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tín dụng, áp dụng cho các khoản vay kể từ ngày 1/8/2011, thời gian ân hạn là 3 năm; giảm thuế nhập khẩu ngô (đối với một số mã hàng) từ 5% xuống 0%, áp dụng cho các lô hàng từ 1/9/2011; hỗ trợ 100% tiền mua vắc xin phòng bệnh tai xanh...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định trong các phương thức chăn nuôi hiện nay, chăn nuôi nông hộ, gia trại vẫn chiếm tỷ trọng lớn do nó giải quyết việc làm cho hàng triệu hộ nông dân và là nghề truyền thống. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ thường gắn với nguy cơ dịch bệnh lớn và nông dân sẽ là những người chịu rủi ro đầu tiên. Vì vậy, Cục Chăn nuôi đang xây dựng các quy định về chăn nuôi nông hộ, trong đó có quy định về an toàn sinh học; tiêm phòng và đặc biệt phải có chính sách hỗ trợ, cung cấp thông tin, đào tạo tập huấn, tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác xã, tổ, nhóm để hỗ trợ họ...
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/10/30750.html


Tin khác