Bản báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháng này phát đi những tín hiệu đổi hướng rất mạnh mẽ của nhóm hàng thực phẩm: giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại miền Bắc dao động trong khoảng từ 48-58 nghìn đồng/kg tùy theo loại giống và theo khu vực, so với tháng 8 thịt lợn hơi giảm 10,9%. Tương tự, giá gà công nghiệp lông trắng chỉ còn 33 nghìn đồng/kg, giảm 12% so với tháng trước; gà thịt lông màu còn 42 nghìn đồng/kg, giảm 10,6%...
|
Giá thịt đột ngột giảm mạnh trong tháng 9, có loại trên 10%. |
Khu vực miền Nam, giá bán thịt lợn hơi dao động từ 48- 55 đồng/kg, giảm 8,9% với tháng trước; gà công nghiệp có giá 35 nghìn đồng/kg, giảm 9,4%; gà lông màu dao động trong khoảng từ 34-35 nghìn đồng/kg, giảm 4,2%...
Chủ trương khuyến khích sản xuất chăn nuôi đã cho thấy kết quả trên các con số về sản lượng. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng khối lượng thịt hơi các loại sản xuất bình quân trong tháng 9 đạt khoảng 452 ngàn tấn (tương đương 309 ngàn tấn thịt xẻ), tăng 5% so với bình quân các tháng 7 và tháng 8. Phải chăng cung đang vượt cầu khiến giá giảm mạnh?
Cũng theo Cục Chăn nuôi, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tổng đàn gia súc, gia cầm chỉ ở mức tương đương.
Cụ thể, so với cùng kỳ tổng đàn lợn trên cả nước (chiếm 78% về tổng lượng thịt hơi) ước tính hiện có khoảng 26,8 triệu con, giảm 2%; đàn gia cầm (chiếm 15% về thịt hơi) ước tăng 6-7%; đàn bò trên cả nước hiện có khoảng 5,9 triệu con, tương đương với cùng kỳ.
Không có đột biến lớn về nguồn cung trong dài hạn, việc giá thực phẩm giảm mạnh trong bối cảnh sức mua (tính theo tổng phương tiện thanh toán) không có bất thường lớn chỉ có thể hiểu ở hai khía cạnh: một, sản lượng thịt hơi tăng đột ngột trong tháng 9; hai, người tiêu dùng cùng lúc tiết giảm chi tiêu ở nhóm hàng này.
Cũng không loại trừ khả năng, người chăn nuôi đang chịu lỗ nên thanh toán đàn để ngừng sản xuất? Bởi lẽ, các dữ kiện về đầu vào sản xuất chăn nuôi cho thấy chi phí đang tăng thêm chứ không suy giảm cùng chiều với giá bán.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thức ăn chăn nuôi trong tháng 9 so với tháng 8 tăng nhẹ. Cụ thể, giá ngô là 7.300 đồng/kg (tăng 0,8%), khô dầu đậu tương 10.200đồng/kg (tăng 5,6%), bột cá 20.200 đồngkg (tăng 6,9%), cám gạo 6.900 đồng/kg (tăng 6%), sắn lát khô 6.400đồng/kg (tăng 1,6%)... Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm ổn định.
Như vậy, việc chỉ số giá thực phẩm hỗ trợ giảm CPI như trong tháng 9 có khả năng sẽ còn kéo tiếp trong tháng 10, nhưng rất dễ tăng trở lại nhanh chóng. Đáng lo hơn là với tình hình chăn nuôi đang mất động lực tăng đàn, trong khi Tết Nguyên đán năm nay đến sớm, rủi ro lạm phát tăng từ ảnh hưởng giá thực phẩm vẫn còn treo đó.
Trong một báo cáo ban hành hôm 4/10, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đưa ra nhiều cảnh báo đối với giá thực phẩm cuối năm.
Cụ thể là sản xuất kinh doanh trong nước đang gặp khó khăn, lạm phát và mặt bằng lãi suất đứng ở mức cao, thiên tai dịch bệnh diễn biến khó lường. Cơ quan này cho rằng, cung cầu hàng hóa có thể căng thẳng, và nhấn mạnh đến thực phẩm.
Ngoài ra, theo quy luật những tháng cuối năm, các doanh nghiệp chuẩn bị lực lượng hàng hóa cho nhu cầu Tết Âm lịch Nhâm Thìn 2012 (trung tuần tháng 1/2012, sớm hơn 1 tháng so với Tết Tân mão 2011), nhu cầu thu mua, tạm trữ hàng hóa tăng cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, tạo sức ép tăng giá hàng hóa.
Đặc biệt trong tháng 10 và các tháng tiếp theo còn tồn tại nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá như hậu quả cơn bão số 4 tại miền Trung và số 5 tại miền Bắc, đỉnh lũ ở đồng bằng sông Cửu Long tác động tiêu cực đến sản xuất, lưu thông, đời sống và giá lương thực, hàng hóa sinh hoạt tăng cục bộ. Dịch bệnh trên gia súc chưa được khống chế hoàn toàn có thể tác động tăng giá thực phẩm thay thế.
Theo VnEconomy