Sắn thối chờ nhà máy
Đến huyện Sông Hinh (Phú Yên) những ngày này, đâu đâu cũng thấy sắn. Sắn dồn ứ trên ruộng, sắn chất đống ở ven đường chờ xe, sắn chờ hàng dài trước cổng Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Sông Hinh.
|
Hàng chục xe sắn tập kết trước cổng Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Tịnh Phong (Quảng Ngãi).
|
Sau đợt mưa lũ đầu mùa năm 2011, nông dân các huyện Tây Hòa, Sông Hinh ồ ạt thu hoạch sắn chạy lũ, dù sắn củ chỉ đạt 22-25 chữ bột. Ông Đặng Văn Lý ở thôn Bình Sơn (xã Sông Hinh) cho biết, dù biết sắn còn non nhưng mấy ngày nay mưa quá, các rẫy sắn ven suối bắt đầu ngập nước, nếu không thu hoạch kịp sẽ thối hết củ. Còn ông Ma Tem ở buôn Ma Sung, xã Ea Bia (Sông Hinh) cho biết, sắn vẫn còn non, nhưng trong nhà không còn gạo ăn nên đành thu hoạch để bán mua gạo và chi tiêu.
Do quá nhiều sắn thu hoạch cùng lúc đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Nhiều xe sắn vận chuyển về nhà máy đã hơn 3 ngày nhưng vẫn chưa nhập được. Bà Nguyễn Thị Hạ ở buôn Đức (xã Eatrol, Sông Hinh) cho biết: "Tôi thuê xe chở sắn của nhà, cộng với mua gom được 20 tấn. Sắn bắt đầu thâm đen mà chưa nhập được vì không có lệnh, đành chờ ở đây. Mưa gió thế này, chừng 2 ngày nữa là sắn thối hết".
Ông Đoàn Thanh Trung, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Công ty Chế biến tinh bột sắn Sông Hinh cho biết: "Do áp lực thu hoạch sắn chạy lũ và tâm lý giải phóng đất để chuyển đổi sang cây trồng khác và có tiền chi tiêu trong những ngày mưa nên dù không có lệnh nhưng bà con vẫn thu hoạch. Sản lượng sắn thu hoạch vận chuyển về nhà máy từ 700 - 800 tấn/ngày, vượt gần gấp đôi so với công suất. Dù nhà máy có cố gắng đến mức nào cũng không thể thu nhận hết theo nguyện vọng của dân".
Tại Quảng Ngãi, từ đầu tháng 9/2011 đến nay, trước cổng Nhà máy Sắn Tịnh Phong (Sơn Tịnh) luôn có hàng trăm xe tải chở đầy sắn đậu chen chúc. Anh Huỳnh Thanh Quân, nông dân xã Bình Minh (Bình Sơn) than thở: "Tôi chở sắn đến đây chờ đã 3 ngày rồi mà vẫn chưa cân được. Kiểu này thì sắn hư hết còn đâu".
|
Sắn tràn ngập ở Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Hinh. |
Được biết, do thấy giá sắn lên cao, có thời điểm đạt gần 2.400 đồng/kg củ tươi (đạt 30 độ bột) nên người dân Quảng Ngãi ồ ạt trồng sắn, tổng diện tích hiện lên tới 16.000ha, tăng 30% so với vụ trước.
Hậu quả của việc trồng theo phong trào
Năm ngoái, giá sắn tươi có thời điểm tăng lên gần 3.000 đồng/kg, sắn lát khô 6.000 đồng/kg, nông dân thu lãi lớn nên ồ ạt phá rừng non, rừng phòng hộ để mở rộng diện tích sắn, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, diện tích sắn vụ này đã lên tới 20.000ha, riêng khu vực vùng nguyên liệu của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Sông Hinh tăng lên 12.000ha, trong khi năng lực của nhà máy chỉ đáp ứng được khoảng 6.000ha.
Diện tích tăng, giá sắn hạ, điệp khúc sắn ế xảy ra ở tất cả các vùng trồng sắn. Nhiều nông dân cho biết, nếu cứ tình hình như hiện nay, may lắm thì người trồng sắn lãi 2-3 triệu đồng/ha, nếu bị thối thì xem như mất trắng. Giải thích về lý do giá sắn năm nay xuống thấp, ông Trung, cho biết: "Lâu nay, hầu hết các nhà máy trong nước xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, song hiện nay việc xuất khẩu qua đường này gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp không tiêu thụ được hoặc nếu có thì giá rất thấp, chỉ bằng một nửa năm ngoái nên không có cách nào khác, doanh nghiệp phải hạ giá mua vào".
Nông dân khó tiêu thụ sắn đã đành, nhiều nhà máy còn trừ tỷ lệ tạp chất quá lớn. Một số nông dân vừa bán sắn xong lắc đầu, than thở: "Nếu đầu vụ, tỷ lệ trừ tạp chất là 8-9% thì nay lên đến 20%. Cứ mỗi tấn sắn, chúng tôi bị nhà máy trừ 200kg".
Hiện, cả hai nhà máy chế biến sắn ở Quảng Ngãi là Tịnh Phong và Sơn Hải, tuy đã nâng công suất hoạt động lên thêm 100 tấn/ngày/nhà máy, nhưng vẫn không giải quyết được số sắn tồn đọng. Nhà máy ở Tịnh Phong hoạt động hết công suất cũng chỉ giải quyết được khoảng 800 tấn/ngày, trong khi, mỗi ngày có đến 2.000 tấn sắn nguyên liệu được chở về đây.
Để hạn chế thiệt hại cho nông dân, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Sông Hinh đang phối hợp với các địa phương rà soát các diện tích có khả năng bị úng ngập cấp lệnh cho dân thu hoạch, ưu tiên cho 3 xã Ea Bia, Đức Bình Đông và Đức Bình Tây (nơi có nhiều diện tích sắn bị úng ngập do xả lũ thủy điện Sông Hinh và sông Ba Hạ), cân đối lượng sắn thu hoạch mỗi ngày tương đương với công suất nhà máy để tránh dồn ứ cục bộ, gây thiệt hại cho cả nhà máy và nông dân. Về lâu dài, Nhà máy kiến nghị các địa phương cần rà soát lại diện tích trồng sắn, tránh việc phát triển ồ ạt như thời gian qua, làm phá vỡ quy hoạch sản xuất và gây áp lực cho nhà máy khi việc tiêu thụ trên thị trường gặp khó khăn.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/10/30588.html