Cần chính sách tài chính cho cá tra

06/10/2011

Trao đổi với PV, ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Vasep cho rằng, tình hình khan hiếm cá tra nguyên liệu đang ngày càng trở nên trầm trọng và để hóa giải khó khăn này thì DN và nông dân cần có những cái bắt tay thân thiện với nhau.

Ông Minh cho biết, nguồn cung cá tra cho các DN xuất khẩu hiện nay chỉ còn ở các nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra tự nuôi, các Cty xuất khẩu bỏ tiền đầu tư cho nông dân nuôi gia công, các hộ nuôi lớn đã gắn bó với nghề nhiều năm.
- Được biết, do tình hình thiếu cá tra nguyên liệu trầm trọng, nhiều nhà xuất khẩu đã phải từ chối đơn đặt hàng do không còn cá để bán, thưa ông?
Hiện các nhà nhập khẩu cá tra VN tại hai thị trường lớn EU và Mỹ đang đổ xô tìm nguồn cung cấp cá tra để chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới, và họ sẵn sàng chào mua với giá cao hơn 20% so với hồi mùa hè.
Tháng trước, các đại lý không thu mua cá tra với mức giá đã thỏa thuận từ trước và ép người nuôi giảm giá. Nhằm gỡ lại vốn, người nuôi vẫn phải thu hoạch cá đúng hạn để bán nhưng không tiếp tục thả nuôi. Việc người nuôi cá tra chấp nhận bỏ nuôi còn hơn chịu bán lỗ là điều không nằm ngoài dự đoán, nhất là khi chi phí nuôi cá ngày càng tốn kém.
Thậm chí cả khi người thu mua thay đổi thái độ và chấp nhận mua cá với giá cao hơn thì người nuôi cũng không kịp sản xuất cá đáp ứng nhu cầu trong dịp Giáng sinh tới. Cá tra tuy là loài lớn nhanh nhưng phải mất đến 6 tháng để cá đạt khối lượng chuẩn 1,5 kg.
Tóm lại, không chỉ riêng nhà chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất mà nhà nhập khẩu cũng buộc phải tìm nguồn cá thịt trắng thay thế.
- Vậy, tình hình này sẽ tiếp tục diễn biến thế nào từ giờ đến cuối năm, thưa ông?
Những ngày qua, giá cá tra nguyên liệu biến động từng ngày, mặc dù dự báo thiếu cá tra nguyên liệu vào những tháng cuối năm khi nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng đã được nói đến khá nhiều nhưng vẫn không tránh khỏi. Dự báo trong quý 4/2011, sản lượng cá thiếu 50% so với những tháng trước, nhưng tình hình đã xuất hiện ngay trong tháng 9.
Nhìn diễn biến tình hình sản xuất trong năm 2011 sẽ thấy nguồn cá nguyên liệu trong năm 2012 rất khó khăn.
Với tình hình cá nguyên liệu căng thẳng như hiện nay, sẽ không có đủ nguồn cá cho các đơn hàng trong dịp Noel và năm mới và hàng xuất khẩu cho các đơn hàng mới là hàng tồn. Nếu DN nào lỡ ký hợp đồng giá thấp thì phải chịu lỗ nặng vì giá đầu vào hiện nay 3,1 USD/ kg. Trước hoàn cảnh này, Vasep đang đánh giá lại nguồn nguyên liệu. Rõ ràng nhìn diễn biến tình hình sản xuất trong năm 2011 sẽ thấy nguồn cá nguyên liệu trong năm 2012 rất khó khăn.
- Bài toán thiếu cá tra nguyên liệu không thể khắc phục một sớm một chiều. Vậy, để hóa giải vấn đề này, dưới góc độ nhà quản lý ông có đề xuất giải pháp gì?
Nếu chúng ta không sớm khắc phục tình hình này thì tôi cho rằng, cá nguyên liệu không chỉ thiếu trong năm 2012 mà còn lấn sang 2013. Vì sản xuất nguyên liệu không chỉ phụ thuộc vào đầu tư tài chính mà còn phụ thuộc lớn vào chất lượng con giống. Có được nguồn giống tốt sẽ giảm lượng cá hao hụt và cho kết quả nuôi tốt. Chất lượng con giống năm 2011 hao hụt trên 50% được thể hiện qua kết quả của vùng nuôi và đưa đến sản lượng cá nguyên liệu trong năm 2012 cũng sẽ tiếp tục thiếu. Trong khi đó, chất lượng con giống là thuộc quản lý của nhà nước và của các viện nuôi trồng thủy sản. Muốn giải quyết căn cơ, thì các trại giống, trung tâm giống của tỉnh, các viện nghiên cứu phải cung ứng cá giống chất lượng kịp thời cho nông dân. Ngoài ra, các hộ nuôi lớn cũng phải tự lập ra những trại giống riêng cho mình.
Ngoài ra, nông dân cũng phải liên kết với DN để có đầu ra ổn định. Hiện nay, các DN đều có vùng nuôi riêng nên việc tiêu thụ của nông dân là rất khó, chỉ khi nào DN tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu của họ hoặc vùng nuôi liên kết rồi mới đi mua của nông dân. Do vậy, nông dân phải có liên kết với DN, đó là những cái bắt tay thân thiện để đưa ngành nguyên liệu cá tra VN phát triển bền vững.
- Còn về phía DN, thưa ông?
DN phải chủ động nguồn nguyên liệu cho hoạt động xuất khẩu của đơn vị mình. Ngoài ra, DN cũng phải dựa vào chính sách tài chính, nhưng cái khó hiện nay là chúng ta chưa có chính sách tài chính cho cá tra nên chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Đơn cử tại An Giang, dự kiến sản xuất 200.000 tấn cá/năm nhưng ngân hàng nào sẽ cam kết rót vốn cho DN. Vì vậy, song song với kế hoạch sản xuất phải đi đôi với kế hoạch tài chính.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
 

Tin khác