Thực phẩm biến đổi gene, lợi ít hại nhiều

06/10/2011

Theo nhiều chuyên gia, nếu trồng đại trà thực phẩm biến đổi gene thì một số lợi ích kinh tế có thể bị nguy hại, như người nông dân bị ép giá do lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống, môi trường nông nghiệp bị biến đổi...

Thực phẩm biến đổi gen có thể dẫn tới sự lệ thuộc về nguồn cung cấp giống.
Bà Lê Thị Phi Vân, Viện chính sách, chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, cho rằng những công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực này đang sử dụng giống biến đổi gene, khiến cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ để đạt mục tiêu lợi nhuận.
"Năm 2010, doanh thu bán hàng ròng và lợi nhuận ròng của Monsanto lần lượt là 10,5 tỷ đôla và 1,1 tỷ đôla; của Syngenta là 11,6 tỷ đôla và 1,4 tỷ đôla. Khoản thu nhập hấp dẫn do cây trồng biến đổi gene mang lại khiến các công ty này thuyết phục, gây sức ép để nhiều quốc gia đưa chúng vào sản xuất đại trà", bà Phi Vân nói.
Cây trồng biến đổi gene (Genetically Modified Crop - GMC) là những cây mà vật liệu di truyền của chúng được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người nhờ những công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là công nghệ gene. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cho phép các tập đoàn lớn của thế giới về cây trồng biến đổi gene nhập sản phẩm để khảo nghiệm trên diện rộng và bước đầu cho kết quả khá suôn sẻ đối với cây ngô. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ trồng đại trà từ năm 2012.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cây trồng biến đổi gene đã phát triển nhiều năm trên thế giới và việc sử dụng đang theo xu hướng gia tăng, trong đó có hai cường quốc nông nghiệp châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, Bộ đã cho triển khai các đề tài nghiên cứu về tạo chọn giống cây trồng biến đổi gene và cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài về công nghệ gene.
Đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan tỏ ra lo lắng bởi hiện nay chưa có bằng chứng đảm bảo là thực phẩm biến đổi gene không gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe con người, đặc biệt là về lâu dài.
"Những sản phẩm này cần phải để bản thân người tiêu dùng quyết định. Nhưng vấn đề đặt ra là việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gene ở nước ta đã trở thành quy định bắt buộc nhưng việc triển khai, kiểm tra, quản lý như thế nào là điều cần bàn và giám sát chặt", ông Đỗ Gia Phan nói.
Theo ông Phan, việc nghiên cứu, đưa sản phẩm biến đổi gene ra thị trường mất nhiều thời gian, tiền của làm cho giá giống cây trồng tăng lên. Nông dân các nước nghèo và đang phát triển như Việt Nam sẽ không chịu nổi, từ đó làm rộng thêm khoảng cách giàu nghèo. Mặt khác, họ sẽ phải phụ thuộc lâu dài vào các công ty giống.
Trao đổi với VnExpress.net, PGS, TS Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển giống rau chất lượng cao cho biết, chi phí mua giống biến đổi gene đắt gấp nhiều lần giống truyền thống. Số tiền này sẽ ngày càng nhiều lên khi người nông dân lệ thuộc vào các công ty cung ứng. Nhưng nếu họ muốn quay trở lại với giống cây cũ thì không thể do môi trường sinh thái đã biến đổi, đầu tư nhiều tiền, nhiều thời gian, công sức cũng khó cải tạo được như cũ.
Theo ông Minh, điều nguy hiểm trước mắt là nếu chính sách thu mua nông sản cào bằng giữa sản phẩm từ giống truyền thống và biến đổi gene thì người trồng đương nhiên sẽ sử dụng giống biến đổi gen. "Trong 5-10 năm đầu tiên, người nông dân rất nhàn, năng suất cao, ít sâu bệnh. Nhưng cái lợi đó chỉ trong thời gian ngắn, hậu quả để lại vô cùng to lớn khi họ bị ép giá từ những công ty cung ứng xuyên quốc gia", ông Minh nói.
Ông Trần Đắc Lợi, Phó chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết, những nước chấp nhận sử dụng thực phẩm biến đổi gene đã và đang phải chịu hậu quả nặng nề. "Một nông dân ở Ấn Độ đã tử tự vì vỡ nợ, nhưng nguyên nhân sâu xa là do anh ta lệ thuộc vào công ty sản xuất giống biến đổi gene nên khi bị ép giá đã phải vay khoản tiền khổng lồ. Nhiều người trong tình cảnh tương tự cũng đã phá sản hàng loạt", ông Trần Đắc Lợi dẫn chứng.
Ông Lợi cho biết thêm, báo cáo nghiên cứu đánh giá về nông nghiệp thế giới gần đây với sự tham gia của 400 nhà khoa học từ 58 quốc gia, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Unesco…khẳng định ngày nay thực phẩm biến đổi gene không đóng góp được gì trong vấn đề đảm bảo nguồn cung lương thực, xóa nghèo và biến đổi khí hậu. Thêm đó sự du nhập thực phẩm biến đổi gene sẽ làm giảm sự đa dạng về giống, vốn là nguồn lực cơ bản của an ninh lương thực.
Đối với việc sử dụng giống ngô biến đổi gene của Việt Nam, hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới hoàn tất phần khảo nghiệm, đánh giá rủi ro. Theo cơ quan này, phương thức tiếp cận đối với giống cây trồng biến đổi gene là tiếp thu một cách tích cực nhưng cần thận trọng và có trọng tâm.
Theo VnExpress

Tin khác