Trong mười năm qua, tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho nông nghiệp đã giảm từ 8% (trong năm 2001) xuống còn dưới 1% tổng nguồn vốn mà Việt Nam thu hút hằng năm. Và nếu so sánh với những giá trị đóng góp của ngành nông nghiệp trong những năm qua thì đây là một con số đáng báo động.
|
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, ngành nông nghiệp muốn thu hút được đầu tư thì nhà nước cần chú trong hơn vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho những tỉnh có tiềm năng về nông nghiệp.
|
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo triển vọng liên kết công tư trong nông nghiệp Viêt Nam do Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức tại TPHCM ngày 5-10.
Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard, lâu nay ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước một nghịch lý là xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, giúp Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực khi sản lượng lúa từ 445 kg/người/năm lên trên 500 kg/người/năm sau 10 năm, giải quyết công ăn việc làm cho 50% lao động xã hội, đóp góp vào GDP của cả nước 20% mỗi năm, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp liên tục giảm qua các năm. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây bất ổn cho ngành nông nghiệp.
Nguyên nhân, theo ông Sơn, là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển nên ngành nông nghiệp chưa thu hút được đầu tư của các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng để giải quyết tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong nông nghiệp thì điều đầu tiên là phải sửa lại Luật Đất đai để làm sao cho người dân có thể tập trung đất nông nghiệp thành một diện tích lớn, thời gian có quyền sử dụng đất trên 50-100 năm.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam từ một nước nghèo đói nhưng nay đã trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm nông sản như lúa gao, cà phê, chè, hồ tiêu, hạt điều hàng đầu thế giới nhưng giá trị thu về chưa cao và đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách làm để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước vốn đang quay lưng lại với ngành nông nghiệp .
Theo WB, lâu nay liên kết công tư chỉ dừng ở các dự án, sau khi kết thúc dự án thì mọi việc lại trở về điểm xuất phát ban đầu.
“Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng gia tăng giá trị thì liên kết công tư phải trở thành một chương trình nghị sự cốt lõi xuyên suốt trong tất cả các chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam”, ông Steve Jaffee, chuyên gia của WB gợi ý.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Nguồn:http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/www.thesaigontimes.vn/Bao-dong-dau-tu-vao-nong-nghiep-lien-tuc-giam/7113277.epi