|
Thu hoạch lúa thu đông ở Đồng Tháp
|
Không có gì là “duy ý chí”
Để thực hiện việc tăng 500 nghìn tấn lúa vụ 3 ở ĐBSCL, ngay từ tháng 3/2011 - khi vụ hè thu mới bắt đầu, việc tính toán, lên kế hoạch cho vụ 3 đã được Bộ NN-PTNT tính đến. Theo đó, phương châm cho vụ 3 đã được xác định là phải đảm bảo ăn chắc, hiệu quả. Sở dĩ phải đặt ra phương châm đó là bởi lũ ở ĐBSCL thì năm nào cũng có. Tuy nhiên, ngành Khí tượng thủy văn của nước ta hiện nay cũng không thể nào dự báo được một cách chính xác ngay từ đầu năm là lũ sẽ cao hay thấp, sớm hay muộn, cường độ mạnh hay yếu…
Vì vậy ngay từ đầu năm 2011, Bộ NN-PTNT cũng đã xác định giải pháp là phải thích ứng và đề phòng với các tình huống xấu của thời tiết, bằng cách chấp nhận SX vụ 3 trong điều kiện có lũ. Cụ thể, các giải pháp đó là: SX vụ 3 phải có quy hoạch gọn vùng, dứt khoát phải nằm trong vùng có đê bao. Chủ trương vụ 3 là phải đảm bảo ăn chắc. Những vùng nào, địa phương nào không đảm bảo ăn chắc thì kiên quyết không xuống giống.
Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã nhắc lại rất nhiều lần trong các cuộc họp chỉ đạo về SX. Bộ trưởng cũng đã yêu cầu Cục Trồng trọt thông báo kỹ tinh thần này cho các địa phương. Tất cả các văn bản hướng dẫn, bắt đầu từ việc triển khai vụ 3, đến các văn bản hướng dẫn cơ cấu giống, lịch thời vụ, các cơ chế chính sách…sau đó đã được Cục Trồng trọt gửi đầy đủ đến các địa phương từ tháng 3/2011.
Ở khía cạnh khác, thực tế thì vụ 3 không phải là cái gì đó mới mẻ, mà nhiều năm nay đã được nông dân SX. Các tỉnh ĐBSCL cũng đã hình thành những vùng SX vụ 3 ăn chắc. Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2010, diện tích vụ 3 ở ĐBSCL chỉ dao động ở mức 400 – 500 nghìn hecta, và quỹ đất để mở rộng diện tích vụ 3 ở ĐBSCL vẫn còn rất lớn. Vì thế năm 2011, để giải quyết được bài toán tăng 1 triệu tấn lương thực, thì việc mở rộng diện tích vụ 3 ở ĐBSCL là điều khả quan.
Ngay sau khi thống nhất chủ trương tăng 100 nghìn hecta lúa vụ 3 ở ĐBSCL để đảm bảo tăng thêm 500 nghìn tấn thóc, từ tháng 4/2011, Bộ NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp với Phân viện Thiết kế quy hoạch nông nghiệp miền Nam thành lập đoàn kiểm tra, tới từng địa phương tại ĐBSCL để kiểm tra rà sát chi tiết quy hoạch, nắm rõ địa bàn nào SX được, SX được bao nhiêu?
Sau khi rà soát, Bộ NN-PTNT đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có chính sách hỗ trợ SX. Chính phủ cũng đã ủng hộ chủ trương này bằng văn bản cụ thể, và giao cho Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành thảo luận sớm đề ra chính sách cho SX vụ 3. Như vậy có thể khẳng định, bối cảnh SX vụ 3 ở ĐBSCL là chủ trương đúng, có cơ sở khoa học, có cơ sở thực tiễn, có quyết tâm chỉ đạo và có sự đồng tình ủng hộ của nông dân và chính quyền các cấp chứ không phải là “duy ý chí”.
Thiệt hại sẽ ít, nếu tiền hỗ trợ “quyết” sớm?
Từ tháng 4/2011, sau khi rà soát chi tiết về quy hoạch lúa vụ 3 ở ĐBSCL, Bộ NN-PTNT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành xin hỗ trợ kinh phí cho SX với tổng số tiền gần 200 tỉ đồng, có số liệu chi tiết cho từng tỉnh.
Về kỹ thuật, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo lúa vụ 3 phải xuống giống càng sớm càng tốt, chậm nhất là phải kết thúc trước 10/9 để làm sao lũ về, cây lúa đã khá cao, tăng khả năng chống chịu lũ. Tuy nhiên, nông dân một số địa phương đã thực hiện chưa tốt. Mặc khác, do lũ về sớm, nước lên nhanh, đạt đỉnh sớm và kéo dài nên các diện tích ngoài quy hoạch (khoảng hơn 19 nghìn hecta, tập trung chủ yếu tại Kiên Giang) vẫn bị ngập nặng.
Nguy hiểm nhất là lúa sạ muộn, có diện tích mới được 30 ngày (tổng cộng khoảng 100 nghìn hecta, tập trung chính ở An Giang) nên chống chịu lũ rất yếu. Về mặt thời vụ, thì đây là bài học để những năm sau, việc điều chỉnh gieo cấy cần phải chỉ đạo chặt chẽ theo hướng tập trung hơn.
|
Theo đề xuất của Bộ NN-PTNT, kinh phí này sẽ ưu tiên trước hết cho công tác gia cố đê bao. Tuy lúc đó chưa xác định được lũ sẽ cao như hiện nay, nhưng chắc chắn có lũ thì ai cũng biết, và việc gia cố, đắp mới đê bao là giải pháp tối ưu để SX lúa vụ 3. Vấn đề hỗ trợ để gia cố đê bao tuy đã được các Bộ, ngành ủng hộ tuy nhiên, việc “quyết” kinh phí hỗ trợ sau đó đã bị chần chừ.
Mãi về sau, khi đã có lũ lớn, Chính phủ mới quyết định hỗ trợ kinh phí để chống lũ. Số tiền này, nếu được “quyết” ngay từ đầu (từ tháng 4/2011) để phục vụ gia cố đê bao thì chắc chắn khi lũ lớn xẩy ra như hiện nay, tình hình sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Khoản hỗ trợ thứ hai mà Bộ NN-PTNT đề xuất là tiền dầu bơm tát. Theo đó, diện tích nào làm đúng quy hoạch trong đê bao mới được hỗ trợ.
Cuối cùng, Bộ NN-PTNT cũng đề xuất hỗ trợ tiền giống đối với 100 nghìn hecta tăng thêm của lúa vụ 3. Đề xuất này ban đầu đã gặp phải sự phản đối của các Bộ, ngành liên quan, khiến chủ trương hỗ trợ rất chậm trễ.
Theo Nông nghiệp Việt Nam