Thị trường thịt lợn diễn biến thất thường: Bị làm giá?

19/10/2011

Từ tháng 4 đến tháng 7/2011, giá thịt lợn có lúc tăng tới đỉnh điểm nhưng hiện nay đang giảm mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng chú ý là dấu hiệu bị làm giá bởi tư thương.

Giá thịt lợn diễn biến thất thường khiến người chăn nuôi gặp khó khăn.
Không phải do nhập khẩu
Hợp tác xã chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội) là một trong những "trung tâm" nuôi lợn với quy mô lớn nhất miền Bắc. Hiện, HTX có 250 hộ xã viên với 1.700 lao động đang làm việc tại 700 trang trại. Thời điểm này, HTX có 150.000 con lợn và 850.000 con gia cầm. Lúc giá thịt lợn tăng cao, HTX đã vận động bà con xã viên đẩy mạnh tái đàn, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, sau vài tháng chăn nuôi, khi lợn được xuất bán, cũng là lúc giá giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX cho hay: "Thời điểm này, giá thịt lợn hơi giảm từ 70.000 đồng/kg xuống còn 52.000-53.000 đồng/kg. Với đà này không ít hộ xã viên có tâm lý nản, ngại tái đàn".
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện giá thịt lợn trong cả nước đã giảm khoảng 11%, thậm chí là 20-24% so với thời điểm tháng 4 đến tháng 7. Cụ thể, tại Hà Nội, ngày 10/10 lợn hơi siêu nạc có giá bán buôn là 53.000 đồng/kg; Đắk Lắk 45.000 đồng/kg và TP.Hồ Chí Minh 50.000 đồng/kg.
Nhiều ý kiến cho rằng, theo tâm lý của người Việt Nam, càng những tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt lợn càng tăng, vì thế, thời điểm này, giá thịt lợn phải tăng mới đúng nhưng diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy, giá thịt lợn đang diễn biến bất thường.
Nói về nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm như hiện nay, ông Chiến cho rằng chưa năm nào chăn nuôi lợn lại khó khăn như năm nay, mặc dù có thời điểm giá thịt lợn lên tới đỉnh điểm. Đầu năm dịch bệnh, nguồn vốn khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao… thì đến nay giá lại giảm. Có 4 nguyên nhân chính tác động tới giá thịt lợn giảm, đó là do áp lực nguồn cung trên thị trường những tháng giữa năm nên nhiều hộ chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn nên giờ nguồn cung dồi dào; thứ hai, do lượng nhập khẩu thịt lợn lớn; thứ ba, lũ lớn đã xảy ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên bà con đã bán tháo lợn và cuối cùng là hiện nguồn cung đàn gia cầm quá lớn nên đẩy giá thịt lợn giảm.
Có một nguyên nhân đáng chú ý mà ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra: "Giá lợn thất thường như hiện nay dường như có sự chi phối của thương lái bởi đến thời điểm này giá xuất chuồng đã giảm sâu, tới 20-24% nhưng ngoài chợ chỉ giảm khoảng 15%. Ngay cả đối với thịt gà, giá gà ta bán tại chuồng ngang với gà công nghiệp nhưng khi tới tay người tiêu dùng lại cao hơn do thương lái dìm giá".
Phải cung cấp thông tin cho người nuôi
"Do giá thịt diễn biến thất thường nên HTX không dám khuyến khích bà con tái đàn mà tùy nghi di tản. Chúng tôi đang trăn trở có nên vận động xã viên chăn nuôi hay không vì nếu không hiệu quả, HTX sẽ có tội, còn nếu chẳng may không tái đàn khi giá lên cao thì chúng tôi sẽ trở thành những người thiếu trách nhiệm", ông Chiến than.
Trước tình hình này, ông Chiến đề nghị Nhà nước và ngành cần sớm đưa ra quy hoạch chăn nuôi rõ ràng cho từng vùng, điểm, khu vực. Đồng thời, phải thể hiện vai trò quản lý để làm sao chi phí đầu vào trong chăn nuôi không quá cao. Thực tế cho thấy với giá bán như hiện nay, người nuôi hoàn toàn có lãi song do chi phí thuê đất đai, vốn đầu tư, giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xăng dầu… cao nên người chăn nuôi lỗ nặng. "Việc mua bán giữa người chăn nuôi và thương lái là sự thỏa thuận, tuy nhiên nếu cứ như vậy, người chăn nuôi sẽ bị dìm giá trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao. Vì vậy, Nhà nước phải thể hiện vai trò quản lý thị trường của mình", ông Chiến kiến nghị.
Chia sẻ với những khó khăn hiện nay của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn) cho rằng, câu chuyện của người chăn nuôi bấy lâu nay vẫn trong vòng luẩn quẩn. Điều này bắt nguồn từ việc giá bán tại hộ gia đình với giá thị trường chênh lệch nhau quá lớn mà nguyên nhân là do người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có hệ thống thông tin rõ ràng về giá cả thị trường. Nếu có họ sẽ tăng khả năng mặc cả với tư thương để bán giá cao hơn. Ngoài ra, phải lập quỹ bình ổn giá cả và có chính sách cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, với đà tăng trưởng như hiện nay, từ nay đến cuối năm nguồn cung sản xuất trong nước về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Trong đó, sản xuất thịt lợn bình quân mỗi tháng là 175.000 tấn thịt xẻ, thịt gia cầm đạt 52.000-55.000 tấn thịt xẻ, các loại thịt khác khoảng 13.000 tấn. Dự đoán tốc độ chăn nuôi các tháng cuối năm sẽ tăng với tỷ lệ cao hơn so với 9 tháng đầu năm. Nếu điều kiện tự nhiên cho chăn nuôi được duy trì và kiểm soát được dịch bệnh thì năm 2011, ngành chăn nuôi có thể đạt mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đề ra.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác