ASAE - Biến đổi khí hậu và một nền nông nghiệp châu Á bền vững

14/10/2011

Ngày 16-10 hàng năm được chọn làm ngày lương thực thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cùng những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu tại nhiều quốc gia. Trong khuôn khổ Hội nghị Các nhà kinh tế nông nghiệp châu Á (ASAE) lần thứ 7 đang diễn ra tại Việt Nam, một lần nữa các vấn đề về biến đổi khí hậu và phát triển nền nông nghiệp châu Á bền vững đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia.

Với mục tiêu hướng tới việc đảm bảo an ninh lương thực bền vững tại khu vực châu Á, một trong 7 nội dung chính mà Hội nghị Các nhà kinh tế nông nghiệp châu Á năm nay đã lựa chọn là Biến đổi khí hậu và một nền nông nghiệp châu Á bền vững. 46 bản tham luận đã được đưa ra thảo luận.
 Hội nghị Các nhà kinh tế nông nghiệp châu Á (ASAE) lần thứ 7
 
Tất cả đều có chung một nhận định rằng châu Á đang phải đối mặt với một kỷ nguyên mới đầy thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu trong khu vực đang có diễn biến ngày càng xấu, và có thể sẽ tiếp tục làm giảm sản lượng nông nghiệp và gia tăng nhiều nguy cơ tới các loại cây trồng chính, đặc biệt là ngô và gạo.
Ông Steven Jaffee, chuyên viên tư vấn phát triển nông thôn – Ngân hàng thế giới World Bank đưa ra cho biết: ““Giải pháp mà chúng ta cần ưu tiên nhất hiện nay là việc cân bằng trong sử dụng đất nông nghiệp và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ sản xuất. Hơn nữa, chúng ta phải thay đổi dần các phương thức canh tác của người nông dân bằng cách tạo ra thêm nhiều giống cây trồng vật nuôi tốt, thích nghi được với điều kiện khí hậu khắc nghiệt."
Với chủ đề Biến đổi khí hậu và một nền nông nghiệp châu Á bền vững, Hội nghị Các nhà kinh tế nông nghiệp châu Á năm nay đã tạo ra một diễn đàn mở để các nhà kinh tế nông nghiệp, các nhà vận động phát triển, các nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận. Các khái niệm, lý thuyết, các công cụ nghiên cứu cũng như quy trình và các hình mẫu nông nghiệp và phát triển nông thôn trong khu vực đã được đưa ra phân tích và đánh giá.
Ông Kiyanoush Ghalavand, chuyên gia về Bảo hiểm nông nghiệp và rủi ro Khu vực Nam Á nói về hiệu quả của bảo hiểm nông nghiệp như sau: “Nếu như bị thiên tai làm cho mất mùa, nông dân sẽ phải chờ đợi vụ mùa năm sau, và không có gì đảm bảo rằng khi đó mọi thứ sẽ thuận lợi. Chúng ta không thể phủ nhận việc nông dân là người đang nuôi sống chúng ta hàng ngày. Chúng ta cần phải đảm bảo cho cuộc sống của họ. Bởi vậy bảo hiểm nông nghiệp là một giải pháp dành cho họ. Một nền nông nghiệp phát triển ôn định nên bắt đầu từ người nông dân.” 
Hội nghị Các nhà kinh tế nông nghiệp châu Á năm nay đã thu hút được không ít sự quan tâm của cộng đồng. Các đại biểu của các quốc gia vừa nghe vừa tham gia thảo luận về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và việc phát triển nông nghiệp bền vững. Hội nghị đã nhận được rất nhiều góp ý, ý tưởng hay.
Châu Á hiện đang là điểm nóng về phát triển nông nghiệp của thế giới, và việc phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại đây được coi là một trong những vấn đề then chốt của khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Theo VTC16

 


Tin khác