Đồng Nai: Phát triển diện tích cây thanh long ruột đỏ

11/01/2012

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển diện tích cây thanh long ruột đỏ - một loại cây trồng đã được khảo nghiệm thành công tại huyện Trảng Bom, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3,8 lần so với trồng ngô và 6,5 lần so với trồng mía mà bà con nông dân ở đây đang sản xuất.

Thanh long là một trong những chủng loại cây trồng được Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định là cây ăn quả chiến lược của Việt Nam, do có thị trường ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu và Mỹ. Trước năm 2005, quả thanh long cung cấp cho thị trường chỉ có giống ruột trắng. Với bước đột phá trong lĩnh vực giống cây ăn quả, Viện Cây ăn quả miền Nam đã tạo ra được giống thanh long ruột đỏ Long Định I, có năng suất và chất lượng cao, thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu miền Nam, được Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời và cho phép lưu hành trong sản xuất. Hiện nay, diện tích thanh long ruột đỏ đang không ngừng mở rộng tại các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Nông dân của 4 xã gồm: Hố Nai 3, Tây Hoà, Sông Trầu và Hưng Thịnh thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã đón bắt xu thế và tham gia trồng cây thanh long ruột đỏ Long Định I với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chương trình Nông thôn miền núi (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhằm hướng tới mục tiêu gia tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn hàng nông sản mới, tăng thu nhập so với những cây trồng khác mà bà con đang sản xuất.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Trảng Bom được tổ chức theo từng nhóm hộ nông dân có khả năng đáp ứng các tiêu chí của dự án về đất đai, biết tiếp thu và ứng dụng những quy trình kỹ thuật của dự án để tổ chức sản xuất và nhân rộng… Mỗi hộ trồng trên diện tích 0,1-2ha. Dự án cung cấp giống đủ tiêu chuẩn gồm: Cành thanh long ruột đỏ đã ra rễ, trụ trồng, hỗ trợ vật tư, chi phí tập huấn, tài liệu, bao trái, hệ thống tưới nước làm thí điểm để giúp bà con nông dân sản xuất theo hướng VietGAP (quy trình thực hành nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam) do Bộ NN-PTNT ban hành.
Cây thanh long ruột đỏ có ưu điểm ra trái liên tục trong 8 tháng (từ tháng 3 - 11) và đầu ra khá thuận lợi, nếu có số lượng lớn có thể xuất khẩu. Một số nông dân trồng thanh long ruột đỏ ở Trảng Bom còn sử dụng đèn compact thắp sáng để cây ra trái nghịch vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sử dụng đèn compact, bà con nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí tiền điện. Nếu dùng 1.000 bóng trong vòng 15 ngày, mỗi ngày 10h thì chi phí tiền điện là 3,3 triệu đồng, trong khi sử dụng bóng đèn sợi đốt mất hơn 12,3 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 3 đợt xử lý đèn thì số tiền điện tiết kiệm được là trên 27 triệu đồng, bằng đúng số tiền chênh lệch mua bóng đèn (do giá thành bóng đèn compact cao hơn đèn sợi đốt). Ông Hồ Sáu, ở xã Tây Hòa, là 1 trong 19 hộ nông dân ở huyện Trảng Bom được chọn trồng thí điểm đợt đầu tiên. Đến nay, với 1.500 gốc thanh long được xử lý ra hoa trái vụ, ông thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Thanh long trồng ở Trảng Bom có vị rất ngọt, độ brix là 16%, hàm lượng acid tổng số thấp, tỷ lệ thịt quả xấp xỉ 61%. Tại Hội thi trái cây ngon (Festival trái cây Việt Nam) năm 2010, thanh long Trảng Bom đã đoạt giải khuyến khích. Qua điều tra cho thấy, 90% chủ vườn tự bán sản phẩm cho thương lái do thanh long được giá. 10% chủ vườn còn lại trực tiếp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Trái thanh long ruột đỏ vào vụ thuận đạt 15.000-20.000đ/kg, vụ nghịch đạt 20.000-25.000đ/kg. Nếu dựa vào kết quả nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam thì năng suất thực tế giống thanh long ruột đỏ trồng tại Trảng Bom ước tính đạt trung bình năm thứ nhất là 5kg/trụ; năm thứ hai là 10kg/trụ, năm thứ 3 là 40kg/trụ, năm thứ 4 là 40kg/trụ. Tổng số tiền thu được từ bán trái thanh long sau 3 năm trồng là 82,5 triệu đồng/1.000m2, lãi ròng gần 57 triệu đồng. Tuy nhiên, đầu tư cơ bản sẽ giảm từ các năm sau nên lợi nhuận thu được còn cao hơn. Hiệu quả kinh tế thu được cao gấp 3,8 lần so với trồng bắp và 6,5 lần so với đồi mía mà bà con đang sản xuất. Với lợi nhuận như vậy, cây thanh long ruột đỏ đang được bà con nông dân ở Trảng Bom quan tâm mở rộng diện tích.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác