Hòa Bình nhân rộng mô hình trồng rau hữu cơ

13/11/2011

Rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Việc diệt sâu bệnh được trị bằng thuốc sinh học gừng, tỏi, ớt, ngải cứu, rượu…

Khi đặt chân đến huyện Lương Sơn, Hòa Bình, chúng tôi choáng ngợp bởi những thửa ruộng bạt ngàn màu xanh của rau sạch. Đó là kết quả của một dự án phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới do Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha thực hiện.
Niềm vui của người phụ nữ Mường trước ruộng rau hữu cơ vào mùa thu hoạch
HTX kiểu mới có sự liên kết “4 nhà” - nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước. Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà chế biến, cung cấp thiết bị quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; đầu tư hệ thống lưới che chắn cây trồng tránh rủi ro về thời tiết, tư vấn thiết lập mô hình quản lý chất lượng sản phẩm hữu cơ, thông tin tuyên truyền quảng bá hình ảnh về HTX và các sản phẩm kinh doanh của HTX.
Mô hình này được thực hiện thí điểm trước khi được nhân rộng ra các khu vực ở tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh thành khác, trong cả nước. Kết quả ban đầu cho thấy hiệu quả đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thủy, người dân tộc Mường cho biết, thu nhập chị có được từ việc trồng rau hữu cơ gấp đôi so với việc trồng lúa trước đây của mình. Mỗi tháng chị kiếm được khoảng 2 triệu đồng, số tiền đó cũng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình.
Trước khi tham gia vào HTX, chị Thủy đã được huấn luyện 3 tháng về phương pháp trồng và chăm sóc rau hữu cơ. Chị cho biết khóa học này rất bổ ích và việc tham gia vào Hợp tác xã đảm bảo cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định.
Anh Phạm Duy Hưng, người có thâm niên trong việc trồng rau, cho rằng bước khó nhất là việc pha chế thuốc trừ sâu từ ớt, tỏi và gừng để ngăn sâu bọ phá hoại mùa màng. “Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các chuyện gia từ Viện Chiến lược, việc pha chế này đã trở thành một công đoạn không mấy phức tạp,” anh Hưng nói.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lương Sơn, ông Nguyễn Xuân Tề, cho biết hơn 80 hộ gia đình người dân tộc Mường được hưởng lợi từ dự án này. Theo ông, toàn bộ số rau sạch được trồng trên diện tích 1,5 hecta được sản xuất theo tiêu chuẩn PGS – một tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo chất lượng về quy trình sản xuất rau hữu cơ.
Ông Phạm Bền Ngọc, đại diện của công ty Green Link chuyên cung cấp rau sạch, nói rằng công ty ông tiêu thụ khoảng 1,2 tấn rau sạch mỗi tháng với giá cao gấp đôi so với giá bình quân trên thị trường. Rau hữu cơ được sản xuất tới đâu đều được công ty thu mua hết đến đấy, đảm bảo nguồn cung cho thị trường ngày càng có nhu cầu cao về rau sạch.
Ông Ngọc giải thích rằng, giá rau sạch cao là do chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn PGS, hơn nữa thời gian để thu hoạch rau thường dài hơn. “Tuy vậy, khách hàng vẫn ưa chuộng rau sạch, đặc biệt là ở thành phố lớn như Hà Nội vì ai cũng muốn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,” ông nói.
Rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Việc diệt sâu bệnh được trị bằng thuốc sinh học gừng, tỏi, ớt, ngải cứu, rượu được trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định rồi phun, hoặc trồng những cây dẫn dụ như cây rau húng có mùi rất hắc có tác dụng xua đuổi côn trùng, hoặc cây hoa có màu sặc sỡ để dụ côn trùng đẻ trứng. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của rau hữu cơ dài hơn rau an toàn khoảng 30% do đó tích lũy đủ lượng đạm, ăn đậm giòn ngọt hơn.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, nhấn mạnh mô hình thử nghiệm trồng rau hữu cơ với sự chung tay giữa người nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước là bước đi đầu tiên của các địa phương, đồng thời mang tới thị trường sản phẩm rau sạch, an toàn cho sức khoẻ và có giá trị kinh tế đối với người trồng.
Ông cho biết “Đây là một nội dung của Dự án 1956 Chính phủ nhằm cung cấp những khóa đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn”.
Theo ông Nguyễn Đức Xưởng, Chủ tịch HTX nông nghiệp hữu cơ tại Lương Sơn, với thành công và kết quả hiện nay, mô hình này sẽ được nhân rộng trên tất cả các địa phương trong tỉnh Hòa Bình cũng như trong nhiều tỉnh thành khác./.
Theo VOVonline

Nguồn: http://vov.vn/Home/Hoa-Binh-nhan-rong-mo-hinh-trong-rau-huu-co/201111/191443.vov


Tin khác