Nông dân sản xuất nông nghiệp: Vẫn chủ yếu lấy công làm lãi

11/01/2012

"Chi phí đầu vào cao, trong khi hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa thực sự đến tay nông dân đã khiến cho lợi nhuận của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp còn đang ở mức thấp nhất”.

Đây là khẳng định của bà Đỗ Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) khi trao đổi với phóng viên NTNN.
Thưa bà, theo kết quả điều tra sơ bộ Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2011 vừa được công bố, thì bình quân vốn tích lũy của một hộ nông dân đã đạt 16,8 triệu đồng, tức tăng gấp 2,5 lần so với năm 2006. Điều này có thực sự phản ánh đời sống và thu nhập của nông dân đã được cải thiện?
- Đây là cuộc điều tra đa mục tiêu, do vậy chúng tôi đã dựa cả vào kết quả của các cuộc điều tra trước đây về mức sống của hộ gia đình. Theo đó, năm 2010, chúng tôi đã điều tra thu nhập của từng người dân VN tăng giảm bao nhiêu, và kết quả lần điều tra này đã cho thấy, thu nhập của người dân đã tăng 2,5 lần so với kết quả điều tra năm 2006.
Với điều tra hộ nông dân lần này, chúng tôi cũng đã áp dụng để điều tra thu nhập, của để dành của từng hộ nông dân và cũng đã cho kết quả là tăng 2,5 lần so với năm 2006. Tôi cho kết quả này đã phản ánh được thực tế rằng, thu nhập và tích lũy của hộ nông dân đã tăng lên.
Thu nhập từ nông nghiệp giảm, nhiều nông dân có thể bỏ nghề
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nông dân có lợi nhuận và tích lũy song rủi ro có thể xảy ra rất cao và nông dân có thể "trắng tay" bất cứ khi nào, do vậy, nếu không điều tra một cách toàn diện thì khó có thể khẳng định đời sống của người làm nông đã bớt khó khăn, thưa bà?
- Đúng là khi điều tra tích lũy hộ nông dân lần này, chúng tôi chỉ điều tra phần tiền nông dân đã để dành được ngoài đầu tư cho sản xuất. Ví dụ như trong sản xuất lúa, chúng tôi chỉ trừ chi phí bỏ ra của nông dân và họ còn để lại được khoảng trên 30% số tiền thu được từ sản xuất xuất lúa để tính vào đó là vốn tích lũy. Còn hộ nông dân đầu tư tiếp hay mở rộng sản xuất như thế nào, rủi ro ra sao trong sản xuất để rồi tổng kết một số tiền để dành được nhất định thì chúng tôi chưa điều tra được. Đây cũng là hạn chế để đánh giá thực chất, đời sống và thu nhập của nông dân.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, hộ thương nghiệp có vốn tích lũy cao nhất, tiếp đến là các hộ vận tải, dịch vụ, còn sản xuất nông nghiệp có vốn tích lũy thấp nhất. Như vậy, chưa thể nói giá trị sản xuất nông nghiệp thực sự của người nông dân đã được cải thiện và có thu nhập cao, thưa bà?
- Chúng tôi chỉ điều tra được theo giác độ chung. Đúng là tích lũy trong sản xuất nông nghiệp của nông dân mới chỉ đạt trung bình 9 triệu đồng, hộ thương mại 35,3 triệu đồng/hộ, vận tải 27,5 triệu đồng/hộ, dịch vụ khác 24,7 triệu đồng/hộ...
Nhìn vào các số liệu này có thể thấy, đời sống của người nông dân làm nông nghiệp vẫn quá thấp so với các ngành nghề khác. Do vậy, kết quả điều tra này cũng cảnh báo, nếu chúng ta muốn nông dân giữ nghề và phát triển ngành nông nghiệp thì các cơ chế chính sách sẽ phải thay đổi, nếu không họ sẽ bỏ nghề nông và chuyển sang làm các ngành nghề khác có giá trị kinh tế và thu nhập cao hơn.
Vậy theo bà, đâu là bất cập của cơ chế chính sách đối với nông dân và sản xuất nông nghiệp hiện nay?
- Thực tế hiện nay là lợi nhuận của nông dân quá thấp, trong khi các chi phí thì cao hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác. Ví dụ chủ trương của chúng ta là cố gắng để nông dân trồng lúa lãi ít nhất 30%, nhưng thực tế lãi 30% này vẫn chưa đủ để nông dân có thể trang trải cuộc sống, mà lẽ ra họ còn có thể lãi hơn thế nhiều. Hay trong chăn nuôi, thì chi phí đầu vào và rủi ro còn nhiều hơn nữa, kéo theo lợi nhuận của nông dân rất thấp.
Chúng tôi điều tra đều không tính đến công lao động của nông dân bỏ ra-điều mà lẽ ra họ phải được trả bằng lợi nhuận. Bởi cũng công đó, nếu làm các ngành nghề khác họ sẽ có lợi nhuận cao hơn, nhiều tiền hơn nhiều so với làm nông. Rõ ràng nông dân đang sản xuất nông nghiệp theo kiểu "lấy công làm lãi" mà thôi.
Tuy tốc độ tăng vốn tích lũy bình quân một hộ tương đối đồng đều giữa các vùng, nhưng mức độ chênh lệch về tích lũy giữa các vùng ngày càng tăng. Vùng Đông Nam Bộ có mức tích lũy cao nhất với mức bình quân 24,2 triệu đồng/hộ; trong khi đó cùng trung du miền núi phía Bắc chỉ đạt bình quân 9,1 triệu đồng/hộ. Theo tính toán sơ bộ, tổng vốn tích lũy hiện có của các hộ nông thôn tại thời điểm 1.7.2011 là gần 260 nghìn tỷ đồng; trong đó ĐBSH đóng góp 32%; tiếp đến là ĐBSCL 27%...
(Theo kết quả điều tra sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011)
Theo bà, chúng ta phải thay đổi các chính sách hỗ trợ nông dân như thế nào để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của người làm nông nghiệp?
- Khi chúng tôi thực hiện cuộc điều tra này thì đều thấy nguyện vọng lớn nhất của người nông dân chính là mong được Nhà nước hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Thực tế là nông dân có ruộng thì họ buộc phải trồng cấy. Hay họ buộc phải chăn nuôi, trồng trọt để tận dụng đời sống nông nghiệp.
Do vậy, chúng ta muốn nông dân giữ đất, giữ nghề nông và yên tâm sản xuất thì phải có chính sách hỗ trợ cho họ. Tỉnh sản xuất hàng hóa lớn như lúa gạo... thì cơ bản nông dân bớt khó khăn, nhưng các nông sản khác nông dân làm ra ở Tây Nguyên, hay ở các tỉnh phía Bắc... thì giá cả và tiêu thụ của nông dân hết sức bấp bênh.
Khi chúng tôi điều tra, nhiều nông dân phản ánh rằng, "hỗ trợ của Nhà nước ở đâu chứ thực sự đến tay nông dân chưa có gì". Tại sao chúng ta có chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp mà nông dân lại chưa thực sự được hưởng? Tôi cho các cấp ngành phải nghiêm túc xem lại và điều chỉnh.
Xin cảm ơn bà!
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/72922p1c34/nong-dan-san-xuat-nong-nghiep-van-chu-yeu-lay-cong-lam-lai.htm


Tin khác