Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Thu nhập của nông dân chưa tương xứng với sức bỏ ra

11/01/2012

Mặc dù sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2011 được mùa lớn, giá cao nhưng chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã thừa nhận, thu nhập của người nông dân vẫn chưa tương xứng với kết quả gia tăng đó.

Hiệu quả sản xuất còn hạn chế
Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn, vì sao thu nhập của người nông dân lại tăng chậm trong khi sản lượng nông sản vẫn tăng?
- Tôi nói sản lượng nông nghiệp tăng lên, nhưng thu nhập của nông dân tăng chậm hơn vì giá trị gia tăng (GTGT) của ngành nông nghiệp từ năm 2001 đến 2005 và từ 2006 đến 2010 đang giảm dần. Mặc dù, về số lượng lúa gạo, lợn, gà và các sản phẩm khác tăng lên rất nhiều, nhưng chỉ là tăng về sản phẩm, còn về GTGT thực của người nông dân, thì tăng chậm lại.
Dù làm ra nhiều sản phẩm, nhưng thu nhập của người nông dân vẫn rất thấp.
 Đây là điều Bộ không mong đợi, vì tất cả mục đích của chúng ta là tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, chứ không chỉ dừng ở việc gia tăng sản phẩm. Điều đó chứng tỏ, những nỗ lực của chúng ta đem lại cho người nông dân đang thấp hơn mong đợi, tức hiệu quả sản xuất và hoạt động trong các chính sách cho nông dân còn nhiều hạn chế.
Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa trình Chính phủ, trong đó vấn đề nâng cao thu nhập của người nông dân được tính đến như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Như tôi đã nói ở trên, vấn đề thu nhập của người nông dân hiện nay còn thấp và Bộ NNPTNT đã trăn trở điều này từ rất lâu, vì thế bây giờ mới đưa ra Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để thực hiện việc tái cơ cấu, trước tiên chúng ta phải rà soát, tập trung vào những ngành sản xuất, lĩnh vực sản xuất đem lại GTGT cao hơn, khi bỏ ra một đồng vốn, một ngày công, thu nhập cho người nông dân phải cao hơn hiện tại.
Sản xuất nông nghiệp hiện nay có 4 lĩnh vực chính là: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Trong số này, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực thủy sản còn nhiều tiềm năng và có thể đem lại giá trị cao hơn. Do đó, trong năm 2012, cũng như các năm tiếp theo, chúng tôi muốn tập trung cao độ để phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu cũng sẽ thực hiện ngay trong từng lĩnh vực cụ thể, bởi trong mỗi lĩnh vực lại có những cây trồng, vật nuôi hay những khâu nếu tập trung làm tốt, đầu tư nhiều thêm sẽ đem lại thu nhập cao hơn.
Theo Đề án tái cơ cấu, Bộ NNPTNT có đề ra một khâu rất quan trọng là chế biến, Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể, chúng ta phải chế biến cái gì, chế biến như thế nào để có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn?
- Có thể nói, chế biến là một khâu rất quan trọng để làm tăng giá trị trên mỗi sản phẩm nông nghiệp của chúng ta. Tôi ví dụ như ngành sữa, nếu chúng ta chỉ vắt sữa theo kiểu thanh trùng, tiệt trùng, rồi đem bán, thì giữa giá sữa thanh trùng, tiệt trùng với giá mua của nông dân chênh lệch không đáng bao nhiêu.
Nhưng nếu chúng ta chế biến ra những sản phẩm khác như sữa bột, giá bán có thể cao hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Đối với cà phê cũng vậy, nếu chúng ta chỉ bán cà phê thô, thu nhập của chúng ta thu được không đáng kể.
Hiện giá trị từ cà phê trên thế giới mỗi năm mang về 100 tỷ USD, nhưng những người trồng cà phê chỉ được hưởng chưa đến 20 tỷ USD, còn lại thuộc về những người làm thương mại và chế biến. Vậy tại sao đối với Việt Nam chúng ta, một nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, lại cứ sản xuất cà phê thô, mà không tham gia vào thị phần 80% kia.
“Mặc dù, về số lượng lúa gạo, lợn, gà và các sản phẩm khác tăng lên rất nhiều, nhưng chỉ là tăng về sản phẩm, còn về giá trị (thu nhập) thực của người nông dân, thì tăng chậm lại. Đây là điều chúng ta không mong đợi.” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát
Sẽ điều chỉnh cơ cấu đầu tư
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một vấn đề rất phức tạp, không đơn thuần như những lĩnh vực khác, chẳng hạn như ngân hàng, doanh nghiệp, khi "tái cơ cấu", chỉ cần sáp nhập vào là xong, vậy theo ông liệu việc "tái cơ cấu" nông nghiệp có thể thực hiện được không?
- Để thực hiện việc tái cơ cấu đối với ngành nông nghiệp, không phải chỉ dựa vào sự mong đợi của riêng ngành nông nghiệp được, mà cần phải có những hành động thiết thực. Trước tiên, phải rà soát lại quy hoạch, để xác định rất rõ trên mỗi một cánh đồng, thì trồng cây nào hay ở mỗi địa phương, nuôi con nào là có lợi nhất. Ngay cả với những cây trồng, vật nuôi đó, thì cần làm kỹ thuật nào, chú trọng vào khâu nào, mới có giá trị gia tăng cao hơn.
Một điểm quan trọng nữa là, chúng ta cũng phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư để hỗ trợ mạnh hơn những cây, con có giá trị cao. Chẳng hạn như thủy sản, chúng tôi đã xác định, phải đầu tư thủy lợi cho thủy sản mới phát triển được, còn vừa qua, dù chúng ta thúc đẩy phát triển thủy sản, nhưng mới là do nhân dân tự đầu tư, Nhà nước chưa đầu tư nhiều. Đầu tư thủy lợi trong thời gian qua vẫn nặng cho cây lúa nhiều hơn. Do đó, tới đây sẽ phải điều chỉnh lại cả cơ cấu đầu tư, theo hướng đầu tư cho thủy lợi để phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Với những chủ trương, chính sách như trên, Bộ NNPTNT sẽ đề ra lộ trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu này như thế nào để đạt được mục tiêu là tăng thu nhập cho người nông dân, thưa Bộ trưởng?
- Chúng tôi thấy rằng, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình, vì chúng ta làm ra cái gì, cũng phải gắn với thị trường, bám sát với thị trường. Do vậy, chúng ta luôn luôn phải điều chỉnh, nên không có một việc gì chỉ làm một lần là xong, mà đây là một quá trình dài hạn.
Nhưng chúng tôi cũng mong quá trình đó diễn ra nhanh hơn, có thể trong giai đoạn 5 năm tới sẽ có những chuyển biến tích cực. Đây cũng là nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp dứt khoát phải làm để duy trì và đạt được tốc độ tăng trưởng như Nghị quyết T.Ư 7, cũng như các kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Theo lộ trình cam kết với WTO, từ năm 2012 trở đi, một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản khi nhập khẩu vào nước ta sẽ thực hiện việc giảm dần thuế suất, từ đó có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất trong nước. Thế nhưng, trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, không thấy đưa ra giải pháp phù hợp?
- Một nền nông nghiệp muốn phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, thì phải tập trung vào những lĩnh vực là ưu thế của mỗi nước. Ngành nông nghiệp năm 2011 xuất khẩu tới 25 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 16 tỷ USD, như vậy cả xuất, nhập khẩu tới 41 tỷ USD, trong khi giá trị tổng sản lượng của ngành chưa đến 30 tỷ USD. Tức những việc trao đổi, buôn bán nông, lâm, thủy sản còn lớn hơn cả giá trị chúng ta làm ra trong nước, nên chúng ta phải tiếp tục tìm cách để thúc đẩy thương mại, giao lưu quốc tế.
Đất nước ta không thể và cũng không nên làm tất cả mọi thứ, chẳng hạn như chúng ta nhập khẩu ngày càng nhiều lúa mì, song điều đó không có nghĩa là chúng ta cũng đi làm lúa mì, mà chúng ta là nước sản xuất lúa gạo có ưu thế trên thế giới, nên sản xuất ra lúa gạo để xuất khẩu, rồi mua lại lúa mì, điều đó là bình thường và có lợi hơn.
Tuy nhiên, có những việc chúng ta có thể làm được, nhưng ở buổi ban đầu, do chưa có cơ sở hạ tầng, KHKT yếu kém nên không làm được ngay. Chúng ta sẽ bảo hộ ngành đó, mặt hàng đó trong một giai đoạn nhất định rồi sẽ tập trung phát triển để thay thế nhập khẩu.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/72778p1c34/thu-nhap-cua-nong-dan-chua-tuong-xung-voi-suc-bo-ra.htm


Tin khác