Chăn nuôi nông hộ: Lối đi nào?

11/01/2012

Theo nhiều chuyên gia, việc tái cơ cấu phương thức chăn nuôi, trong đó phát triển đa dạng loại hình chăn nuôi trang trại sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành chăn nuôi VN.

Một góc trang trại nuôi gà siêu trứng của gia đình chị Nguyễn Thị Thu, xã Nam Cường (Yên Bái).
Nhỏ lẻ vẫn là chủ đạo
Theo báo cáo của các tỉnh, hiện nay ở nước ta, chăn nuôi nông hộ vẫn khá phổ biến. Bình quân mỗi hộ nuôi 3 - 4 con heo, chiếm 65% tổng đàn heo, cung cấp hơn một nửa sản lượng thịt cho thị trường. Đàn gà nuôi tại nông hộ cũng chiếm 70% tổng đàn và 60% sản lượng thịt. Được biết, năm 2008, cả nước có 7,8 triệu hộ chăn nuôi gà, trong đó quy mô dưới 20 con là 5,2 triệu hộ, chỉ có khoảng 97.000 hộ có quy mô nuôi trên 100 con và 4.000 hộ nuôi trên 1.000 con. Hiện, số hộ nuôi gà giảm còn 6,5 triệu hộ, song số hộ nuôi dưới 20 con vẫn chiếm khoảng 60%. Đàn trâu, bò thì gần như 100% được nuôi tại nông hộ.
Hai năm trở lại đây, do lo ngại dịch bệnh, giá đầu vào cao, đầu ra không ổn định, tiếp cận vốn khó khăn nên nhiều hộ đã bỏ chuồng, khiến tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ 70-75% xuống còn 50-55%, chăn nuôi trang trại tăng lên 13,4% (giai đoạn 2009-2010). Tuy nhiên, tính trung bình thì tỷ lệ các hộ chăn nuôi theo phương thức nông hộ vẫn dẫn đầu cả về số lượng cũng như tổng sản lượng thịt.
Theo TS. Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, sở dĩ chăn nuôi nông hộ luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu ngành là vì tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, đất đai, công lao động nhàn rỗi và vốn tự có. Đây cũng là thực tế chung ở hầu hết các nước có thu nhập thấp. Thống kê của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho thấy, ở các nước có thu nhập cao, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng, còn ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ này là trên 60%. 
Ông Vang cho rằng, cần nhận thức đúng về vai trò của chăn nuôi nông hộ vì phương thức này mặc dù tồn tại nhiều bất cập như năng suất thấp, nguy cơ dịch bệnh cao, vệ sinh an toàn thú y kém… nhưng lại tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. "Cả nước có khoảng 23.500 trang trại. Giả thiết rằng 50% số trang trại có doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên thì phần lớn giá trị sản xuất của ngành vẫn do 7,5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ đóng góp", ông Vang phân tích.
Định hướng tái cơ cấu
Nghiên cứu của Viện Chăn nuôi cho thấy, nếu nuôi heo thịt ở quy mô 20 con trở lên thì chi phí cho thức ăn sẽ chiếm 63%, nhưng sẽ thu lãi hơn 1.400 đồng/kg thịt hơi; ngược lại, nếu chỉ nuôi 1-2 con thì người nuôi chỉ lãi khoảng 200 đồng/kg.
Phát triển theo mô hình kinh tế trang trại sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành chăn nuôi.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong những năm tới, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, đồng thời tạo điều kiện để người nuôi nhỏ lẻ có hướng đi phù hợp, Cục sẽ phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính: tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu phương thức chăn nuôi, tái cơ cấu nhóm sản phẩm và tái cơ cấu phát triển vùng chăn nuôi.
Cụ thể, Cục sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tăng tỷ trọng vốn cho công nghệ sản xuất giống và giết mổ; tạo điều kiện pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ chăn nuôi tại Việt Nam, phối hợp với các địa phương nhanh chóng quy hoạch, xây dựng hạ tầng để di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ vào các khu tập trung. Các trang trại chăn nuôi này có thể thành lập và hoạt động theo 3 phương thức: chăn nuôi hộ gia đình theo quy hoạch (chỉ một chủ trang trại đầu tư); trang trại gắn với khu chăn nuôi tập trung (nhiều chủ đầu tư); trang trại chăn nuôi hỗn hợp (vừa chăn nuôi, trồng trọt, vừa nuôi trồng thuỷ sản). Song song đó, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích thành lập các hiệp hội chăn nuôi trang trại, HTX dịch vụ chăn nuôi, tạo điều kiện để các tổ chức này tiếp cận vốn, thị trường tiêu thụ cũng như nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi (từ chăn nuôi tới giết mổ và tiêu thụ).
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/1/32138.html


Tin khác