Đổi mới lâm trường quốc doanh: Bình mới rượu cũ

17/11/2011

Sau 6 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, đến nay, các công ty lâm nghiệp trên toàn quốc đã hoàn tất việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, phần lớn các công ty mới chỉ thực hiện được việc đổi tên, còn hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sau khi chuyển đổi hoạt động của các lâm trường quốc doanh, nhiều diện tích đất lâm nghiệp vẫn bị bỏ phí.
Cơ chế trói buộc
Được đánh giá là đơn vị làm ăn có hiệu quả sau khi chuyển đổi nhưng hoạt động của Công ty Lâm nghiệp Yên Bình (Lâm trường Yên Bình) có trụ sở ở Yên Bái vẫn gặp không ít khó khăn. Hiện, Công ty có 4.442ha đất trên địa bàn 5 xã với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là quản lý rừng hiện có, khai thác và trồng rừng. Mặc dù thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng thuận lợi nhưng do không có công nghệ, thiếu vốn đầu tư nên công ty phải khai thác non, giá trị mang lại thấp.
Cụ thể, khi khai thác rừng keo và bạch đàn 8-10 năm tuổi thì sản lượng đạt 100-150m3/ha, trị giá từ 70 -100 triệu đồng/ha, nhưng khai thác ở độ tuổi 4-6 năm tuổi thì sản lượng chỉ còn 30-60m3/ha, giá trị 15 - 30 triệu đồng/ha. Lý do thất thu lớn do rừng non chỉ đạt đường kính 10-12cm, giá trị cây đứng chỉ bán được với giá 500.000 đồng/m3 nhưng rừng từ 8-10 năm tuổi đường kính đạt 12 - 20cm, giá trị cây đứng 0,7-1,3 triệu đồng/m3. Tính đến ngày 30/9/2011, tổng giá trị tài sản của công ty là 8,67 tỷ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả lên tới 6 tỷ đồng.
Ông Phạm Đăng Hân, Phó giám đốc Công ty Lâm, nghiệp Yên Bình cho biết, cơ chế chính sách của Nhà nước chưa quan tâm đúng mức về vốn cho đầu tư trồng rừng như lãi suất cao, thời hạn vay ngắn (không đủ chu kỳ 8-10 năm) nên các lâm trường buộc phải khai thác non. "Sau khi chuyển đổi từ tháng 11/2010 đến nay, chủ sở hữu chưa kiểm kê, đánh giá lại tài sản, quy trách nhiệm việc thất thoát tài sản nên công tác điều hành gặp nhiều khó khăn", ông Hân chia sẻ.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), phần lớn các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu mới chỉ thực hiện được việc đổi tên. Đến nay, cả nước có 170 công ty, quản lý gần 2,1 triệu hecta rừng. Tuy nhiên, sản lượng gỗ khai thác được hàng năm chỉ đạt 1,7 triệu mét khối (trong đó 1,5 triệu mét khối là gỗ rừng tự nhiên), trong khi sản lượng gỗ từ các hộ gia đình quản lý là 3 - 4 triệu mét khối. Điều đáng nói là, chỉ có khoảng 77% số công ty có hoạt động khai thác gỗ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Trung ương Đảng) đánh giá, mô hình tổ chức lâm trường quốc doanh còn nhiều bất hợp lý, chưa xây dựng được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp; đổi mới về cơ chế quản lý theo hướng phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích đã dẫn đến việc tuyệt đối hoá mô hình tổ chức lâm trường quốc doanh. Phần vốn của một số lâm trường sau khi sắp xếp giảm đáng kể (trước khi sắp xếp, vốn chủ sở hữu bình quân 5.464 triệu đồng/lâm trường)...
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hứa Đức Nhị, lâm trường quốc doanh là tên gọi quen thuộc và gắn liền với lịch sử phát triển của ngành lâm nghiệp nhưng sau khi chuyển đổi, các công ty lâm nghiệp vẫn khá lúng túng. Làm thế nào để lâm trường quốc doanh thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay là bài toán chưa có lời giải đáp.
Phải được tự chủ
Đó là ý kiến của đa phần các lâm trường quốc doanh và các cấp quản lý. Ông Đinh Quang Tuấn, Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới sắp xếp nông lâm trường quốc doanh hiện nay mới Trung ương khẳng định: "Thực chất việc sắp xếp đổi mới lâm trường quốc doanh chỉ là đổi tên chứ cơ chế hoạt động vẫn là cán bộ, công nhân cũ, cơ chế trói buộc, không tự chủ được về sản xuất kinh doanh. Do đó, Chính phủ phải đẩy mạnh cải tổ hơn nữa. Những doanh nghiệp không gánh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh phải cho họ có cơ chế đặc thù tự quản lý thu chi hoặc sau vài chục năm lâm trường của họ mới được khai thác gỗ, phải cho cơ chế để họ tự nuôi sống mình. Đồng thời, phải phân loại doanh nghiệp vừa có nhiệm vụ sản xuất, vừa có nhiệm vụ giữ rừng, đảm bảo an sinh xã hội để từ đó cấp vốn đầu tư cho họ".
Từ thực tế hoạt động của đơn vị, ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đắc Tô (Kon Tum) kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt cho ngành lâm nghiệp như miễn tiền sử dụng đất, miễn và giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp... Đặc biệt là cho phép các công ty được hạch toán những khoản chi phí như quản lý bảo vệ rừng, các khoản đầu tư hỗ trợ người dân… vào giá thành sản phẩm. Đồng thời, Nhà nước không thu các khoản tiền cây đứng trong khai thác gỗ; giảm thuế suất tính thuế tài nguyên đối với gỗ rừng tự nhiên xuống 5-10%; điều chỉnh giá tính tiền thuế tài nguyên đối với gỗ tận dụng, gỗ nhỏ và tiền củi để chủ rừng có lợi nhuận để tái đầu tư, nâng tỷ lệ lợi dụng gỗ.
Trong khi đó, ông Tiến khẳng định, đổi mới lâm trường quốc doanh phải tạo được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp để lâm trường quốc doanh kinh doanh tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phân biệt rõ chức năng của cơ quan chủ đại diện quyền chủ sở hữu của nhà nước với chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh của lâm trường quốc doanh.
TS.Juergen Hess, Giám đốc Chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên của GIZ đánh giá: "Từ năm 1993, lâm trường quốc doanh ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn đổi mới về cơ cấu tổ chức, quản lý và bây giờ thực sự là thời điểm cần thiết để xây dựng một hệ thống thể chế, chính sách toàn diện nhằm tạo ra những đổi mới căn bản và đồng bộ".
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/11/31268.html


Tin khác