Các tỉnh Tây Nguyên để cà phê chín đều mới thu hoạch

17/11/2011

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2011-2012.

Các nông hộ và các doanh nghiệp đã tập trung công tác bảo vệ để vườn cây đạt tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà. Riêng tỉnh Đắk Lắk, nơi có diện tích cà phê nhiều nhất nước đã vận động các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê để vườn cây đạt tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên mới thu hoạch nhằm góp phần nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu.
Các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã thuê thêm lao động ngày đêm ở lại ngay trên các nương rẫy để bảo vệ vườn cà phê. Qua kinh nghiệm của các niên vụ trước, bắt đầu từ giữa tháng 10, các địa phương, doanh nghiệp có diện tích cà phê lớn, tập trung đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn tổ chức bảo vệ các vườn cà phê. Các địa phương cũng đã củng cố lại lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn thường xuyên tiến hành tuần tra, bảo vệ buôn làng, bảo vệ nương rẫy cà phê, hạn chế trộm cắp cà phê. Nhiều vùng trọng điểm cà phê ở Đắk Lắk còn có cách làm hay là trong từng thôn, xã, liên gia, các nông hộ sản xuất cà phê cử lao động cùng liên kết phối hợp với lực lượng công an, dân quân tự vệ để bảo vệ cà phê.
Tại xã Hoà Đông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thành lập 16 tổ dân phòng bảo vệ cà phê. Các tổ dân phòng này ra đời trên cơ sở tự nguyện của các nông hộ sản xuất cà phê theo nguyên tắc “dân biết, dân cử”. Các thành viên tham gia tổ dân phòng là do nhân dân trong xã họp công bàn công khai, biểu quyết tín nhiệm để đưa vào lực lượng. Ngoài hoạt động theo chức năng , nhiệm vụ của dân phòng theo quy định, đến mùa thu hoạch cà phê, tổ dân phòng được giao thêm nhiệm vụ bảo vệ cà phê trên địa bàn xã, tuyệt đối không để xảy ra mất trộm, đồng bào yên tâm để cà phê chín mới thu hoạch. Các tổ dân phòng được các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê “trả lương”, với mức đóng góp mỗi hộ là 35.000 đồng/ sào và có chế độ thưởng, phạt nghiêm minh. Nếu tổ dân phòng để xảy ra trộm cắp trên nương rẫy cà phê thì phải đền tiền lại cho gia đình mất trộm, giá cà phê được tính theo giá thị trường, tương đương với số lượng cà phê bị mất trộm. Với cách làm này, trong hơn 5 năm qua, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở xã Hoà Đông luôn để vườn cây đạt tỷ lệ quả chín trên 95% mới đưa vào thu hoạch đại trà. Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Công an xã Hoà Đông cho biết, với sự hoạt động tích cực, hiệu quả của lực lượng dân phòng, nhất là trong việc phối hợp bảo vệ mùa thu hoạch cà phê cho người dân, trong thời gian qua tình trạng trộm cắp, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn hầu như không xảy ra. 
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 502.600 ha cà phê, trong đó có trên 466.900 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch. Theo dự báo, niên vụ này, các tỉnh Tây Nguyên có khả năng đạt trên 1 triệu tấn cà phê nhân, trong đó, tỉnh Đắk Lắk đạt trên 400.000 tấn./.
Theo TTXVN

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=490665


Tin khác