Triển vọng trồng thanh long ruột đỏ trên cao nguyên Lâm Đồng

17/11/2011

Vốn quen với trồng cà phê, dâu tằm từ lâu nay nhưng một số hộ dân ở xã Nam Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng) đã mạnh dạn thử nghiệm một mô hình làm kinh tế khá mới. Đó là đưa thanh long ruột đỏ được trồng nhiều ở Bình Thuận và một số tỉnh ven biển khác về trồng tại địa phương.

Ông Lê Văn Phẩm (54 tuổi, thôn Nam Hà, xã Nam Hà, Lâm Hà) không giấu được vẻ mặt phấn khởi bởi vườn thanh long rộng hơn 2.000 m2 của gia đình đã cho mùa trái bói đầu tiên đầy triển vọng. Với khu vườn này, ông đã trồng được 240 trụ bê tông trồng thanh long theo tiêu chuẩn 2,7m 2 /cọc. Dù mới trồng được hơn một năm nhưng cây thanh long phát triển khá tốt, thân lớn, cao quá đầu người và vụ vừa rồi đã cho thu trái bói, bình quân từ 0,5 kg đến 1,1 kg/quả. Xét về chất lượng cũng không thua kém “quê nhà” Bình Thuận, ruột quả thanh long khá ngọt, vỏ mỏng và nhìn rất đẹp. Ông Phẩm cho biết: “Đợt vừa rồi cho thu bói chỉ được vài tạ nên tôi bán cho người dân trong vùng và các chợ với giá từ 15 đến 20 ngàn một ký chứ chưa bỏ mối đi nơi khác”.
Theo ông Phẩm, ý tưởng trồng thanh long ruột đỏ này xuất phát từ sau một chuyến đi Bình Thuận. “Tại đây tôi thấy người ta bán rất được giá nên thích quá và sau đó về tìm hiểu rồi quay lại tìm mua giống về trồng thử”. Khi bắt tay vào trồng, ông tự tìm hiểu trên mạng về kỹ thuật trồng, cách phun thuốc trừ sâu, bón phân dưỡng hoa, dưỡng trái… để đạt hiệu quả cao nhất. Qua một thời gian chăm sóc, những trụ thanh long phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Ông Phẩm nhận xét: “Tôi thấy cây này không ưa mát mà thích trời thoáng nắng. Tuy nhiên đối với mùa mưa ở vùng này thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của cây”.
Từ thực tế mô hình của gia đình ông Phẩm cho thấy, trồng thanh long ruột đỏ sau khoảng 10 tháng là bắt đầu cho thu hoạch. Vụ thu hoạch chính của cây này là từ tháng 4 đến tháng 10 và có thể kéo dài hơn 10 năm mới phải trồng lại. Trong vụ chính, mỗi lứa thu hoạch cách nhau khoảng 20 ngày và mỗi trụ (nếu chăm sóc đúng cách) có thể cho bình quân 20kg quả/lứa. Ông Phẩm nói: “Với giá thành như vụ vừa rồi khoảng 20 ngàn một ký thì tính ra trồng thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây cà phê. Bình quân mỗi đợt thu hoạch cho thu từ 20 đến 30 triệu đồng/ 1 nghìn m2. Đặc biệt khi vào trái vụ như hiện này thì giá mỗi ký lên đến 40 ngàn đồng”. 

Theo tìm hiểu của ông Phẩm, thanh long sau 3 – 4 năm mới có thể thắp điện để ép cây ra quả trái vụ. Nếu ép sớm cây non thì bộ rễ sẽ không chịu nổi và sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây về sau. Sắp tới, gia đình ông Phẩm tiếp tục phá bỏ vườn hoa lay ơn sau nhà trồng tiếp 300 trụ thanh long mới để mở rộng diện tích sản xuất. “Đợt trồng mới này tôi có thể trích giống từ vườn của mình ra trồng không phải đi xuống tận Bình Thuận mua cây như lần trước nữa” – ông Phẩm vui mừng nói.
Hiện đã có một số thương lái đến đặt hàng gia đình ông Phẩm để thu mua thanh long trong niên vụ tới. Đồng thời một số người dân, đơn vị cũng đến vườn thanh long nhà ông tìm hiểu kỹ thuật trồng loại cây này để về áp dụng trồng thử. Qua một vụ trồng thanh long ruột đỏ, ông Phẩm cũng rút ra được một số kinh nghiệm trong chăm sóc cây như khi cây ra hoa phải phun thuốc dưỡng hoa, dưỡng trái, mỗi cành chỉ nên để nuôi từ 2 – 4 trái để cho chất lượng tốt nhất… 

Theo Hội Nông dân xã Nam Hà cho biết, trên địa bàn xã này hiện có 3 hộ trồng thanh long ruột đỏ theo mô hình đại trà. Ngoài gia đình ông Phẩm còn có hộ ông Trần Mạnh Chữ và ông Nguyễn Văn Thực với diện tích mỗi vườn hơn 1.000m 2. Do mới trồng nên vườn thanh long của ông Chữ, ông Thực vẫn chưa cho thu hoạch nhưng đều phát triển khá tốt là một tín hiệu khả quan của những mô hình thí điểm này, từ đó sẽ tạo cho người dân Lâm Hà một hướng làm kinh tế mới đầy triển vọng./.
Theo TTXVN

Tin khác