Hợp tác xã sản xuất nấm, hướng liên kết hiệu quả của người trồng nấm tại Đà Nẵng

11/01/2012

Tại tổ 21, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), mới đây 22 hộ dân trên địa bàn đã góp vốn thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận. Đây là Hợp tác xã sản xuất, chế biến nấm thứ 7 trên địa bàn TP, qua đó góp phần để Đà Nẵng hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng cao với hai loại sản phẩm chủ yếu là hoa và nấm.

Theo ông Ngô Đức Ri- Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận (gọi tắt là Hợp tác xã Đồng Thuận), tuy mới ra đời nhưng Hợp tác xã được xem là mô hình sản xuất hiệu quả, được Hội Nông dân và các ngành có liên quan của TP rất quan tâm, đánh giá cao. "Hiện có 22 xã viên với khoản vốn điều lệ là 500 triệu đồng, Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận trước mắt tập trung vào sản xuất, chế biến nấm và hướng tới mở rộng sản xuất cả hoa, cây cảnh và phân vi sinh. Trước đây, khi chưa có HTX, nhiều xã viên cũng đã tự sản xuất nấm nhưng đầu ra không ổn định, bên cạnh đó các vấn đề về kỹ thuật, vốn sản xuất do "tự túc" nên rất hạn chế. Thế nhưng, kể từ khi Hội Nông dân, Liên minh HTX của TP, UBND quận Liên Chiểu phối hợp với Hợp tác xã nấm An Hải Đông đứng ra tổ chức khóa bồi dưỡng về nghề trồng nấm, 22 hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn góp vốn xây dựng nên HTX Đồng Thuận. HTX ra đời đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho các xã viên"- ông Ri cho biết.
Qua tìm hiểu và trao đổi với các xã viên HTX Đồng Thuận, chúng tôi được biết, hiện nay cơ sở sản xuất chính của HTX đặt tại phần đất 1.400 m vuông do ông Ngô Đức Ri- Chủ nhiệm HTX đứng ra khai hoang trồng cây hơn 10 năm nay chuyển lại. Tại đây, các xã viên có một vườn phôi nấm chung. Sau khi cấy phôi nấm và chờ đến khi nấm ra chồi, các xã viên nhận các bịch chồi nấm mang về nhà chăm sóc (mỗi hộ được chia nhận từ 500- 1000 bịch nấm); khoảng 20 ngày nấm lớn, các hộ hái nấm và đóng gói tập trung tại HTX trước khi mang đi tiêu thụ.
Theo ông Ngô Đức Ri, thị trường chính của HTX hiện nay chủ yếu là tại các chợ trong nội thành. Giá thị trường hiện khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/kg đối với nấm sò (còn gọi là nấm bào ngư); nấm rơm từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/kg; nấm linh chi từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng/kg khô. Ngoài ra, sau khi phôi nấm đã qua sử dụng, các xã viên đem sấy và tán, trộn thêm một số phụ gia khác để sản xuất thành phân vi sinh. Hiện giá thành của 1kg phân vi sinh khoảng từ 10.000 đến 14.000 đồng/kg. "Rõ ràng với mô hình này, người sản xuất nấm sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn nhiều so với trồng lúa; hơn nữa, chu kỳ của nấm cũng khá ngắn nên thu nhập cũng thường xuyên hơn"- ông Ri chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Phú Ban - Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng, với sự ra đời của các HTX sản xuất và chế biến nấm tại địa bàn TP hiện nay đã mang lại rất nhiều thuận lợi cho người sản xuất nấm. Trước hết, HTX sẽ là đầu mối liên kết các hộ sản xuất nấm cá thể lại với nhau. Trên cơ sở đó HTX sẽ là đầu mối cung ứng giống nấm, vật tư nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm nấm của xã viên. HTX Đồng Thuận cũng hoạt động theo mô hình này, tuy nhiên, mô hình của Đồng Thuận còn hướng đến sản xuất hoa, cây cảnh và làm phân vi sinh nhằm tăng thêm thu nhập cho nông dân, tạo ra hướng phát triển mới đối với ngành nông nghiệp của TP.
Phát biểu tại Hội thảo bàn về vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm do Hội Nông dân TP Đà Nẵng tổ chức hồi đầu tháng 12 vừa qua, ông Nguyễn Phú Ban cho rằng: TP Đà Nẵng hiện có những điều kiện rất lớn nhưng vẫn chưa phát huy lợi thế của nghề trồng nấm. Theo ông, để từng bước đưa nghề trồng nấm trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo nên những bước đột phá về quy mô, sản lượng, giải quyết lao động, nhất là lao động bị thu hồi đất, tăng thu nhập, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu, tận dụng sản phẩm phụ của nông nghiệp, hình thành mạng lưới sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm trên địa bàn, xây dựng thương hiệu nấm cho TP Đà Nẵng thì trong thời gian tới, TP cần xây dựng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát triển nghề nấm.
Ông Ban cũng khẳng định, các HTX nấm (trong đó có HTX nấm Đồng Thuận) ra đời là bước đi đầu tiên. Trên cơ sở đó để những người trồng nấm tại địa phương liên kết lại chặt chẽ và phát huy sức mạnh của mình hơn nữa, nhằm có tiếng nói trên thị trường cũng như các vấn đề có liên quan đến trồng và sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm.
Về phía các hộ trồng nấm trên địa bàn TP Đà Nẵng, qua phát biểu của ông Chủ tịch Hội Nông dân TP tại cuộc Hội thảo kể trên, đã thực sự tạo thêm niềm tin về tương lai của nghề trồng nấm mà họ đang theo đuổi. Ông Ngô Đức Ri- Chủ nhiệm HTX Đồng Thuận cho rằng: Một trong các giải pháp chính sách mà hiện nay Hội nông dân TP Đà Nẵng đang trình UBND thành phố nhằm khuyến khích nghề trồng nấm là "Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các tổ chức sản xuất nấm về đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ nấm". Theo ông Ri, việc TP dành ưu đãi trong chính sách đất đai cho các tổ chức sản xuất nấm là cần thiết, phù hợp với chủ trương phát triển nghề trồng nấm và hoa trên địa bàn thành phố hiện nay. "Chúng tôi rất mong UBND thành phố sớm đồng ý với giải pháp về chính sách đất đai kể trên. Nếu được thông qua, mảnh đất 1.400 m vuông của HTX Đồng Thuận hiện nay do chính tôi khai hoang trồng cây 10 năm qua sẽ được cấp giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sản xuất để trên cơ sở đó HTX mới dám mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh - điều mà hiện nay chưa thể làm được"- ông Ri cho biết./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác