Hướng đến sản phẩm chè an toàn

11/01/2012

Dù đứng thứ 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu nhưng thương hiệu chè Việt vẫn khá mờ nhạt, bởi những hạn chế trong phương thức canh tác, ý thức sản xuất sạch của người trồng chè. Chính vì thế, Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) và các doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cơ hội cạnh tranh cho sản phẩm chè.

Những sản phẩm chè được cấp chứng nhận UTZ.
Những thành công ban đầu
Tháng 11/2011, Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên - tỉnh Thái Nguyên) được Tổ chức Solidaridad cấp chứng chỉ UTZ Certified (sản xuất truy nguyên nguồn gốc). Đây là món quà hết sức ý nghĩa đối với các hộ trồng chè ở Tân Hương trong bối cảnh chè Việt Nam đang vực dậy thương hiệu sau vụ chè bẩn, chè vàng hồi đầu năm. Vui hơn là, toàn bộ sản phẩm chè được cấp chứng chỉ UTZ Certified đã được các DN chế biến thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5-10%.
Chia sẻ niềm vui này, bà Nguyễn Thị Nhài, Phó chủ nhiệm HTX cho biết, đầu năm 2011, được sự giúp đỡ của Tổ chức Solidaridad, chúng tôi vận động 37/50 hộ xã viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ Certified (trên diện tích 10,25ha), chia làm 7 tổ. Tổ trưởng có trách nhiệm đôn đốc và giám sát việc tuân thủ quy định của từng hộ. Với quy trình canh tác mới như thế, các hộ xã viên phải ghi chép luân chuyển từ hộ gia đình đến HTX và ra thị trường, ghi chép sổ sách cho từng lô đầu vào - đầu ra hay trên từng bao bì với ký hiệu lô cụ thể. Các lô hàng được để riêng biệt, có nhãn mác nên sẽ không lẫn vào đâu được.
Bà Nhài cho hay, lúc chưa sản xuất chè theo tiêu chuẩn này thì chi phí cao hơn, do nông dân sử dụng phân bón vô tội vạ (10-15kg đạm/sào). Trong khi đó, với quy trình canh tác mới, chúng tôi chỉ cần bón 5-7kg đạm/sào mà năng suất không hề giảm, chè ít sâu bệnh, hương vị thơm ngon. So với trước kia thì nay cây chè khỏe hơn, búp mập hơn, cho năng suất cao hơn.
Là một trong những "cố vấn" của HTX, bà Lê Hồng Vân, đại diện Tổ chức Solidaridad chia sẻ, UTZ Certified là chứng nhận đảm bảo tính khách quan theo tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất có kiểm soát, mang tính bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau càphê và ca cao, lần đầu tiên ở Việt Nam sản phẩm chè được chọn để cấp chứng nhận UTZ Certified. Việc áp dụng tiêu chuẩn này chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi có sự liên kết chặt chẽ, áp dụng đồng bộ từ người trồng chè - DN sản xuất, chế biến, tiêu thụ. UTZ Certified là sự đảm bảo cho người tiêu dùng có một sản phẩm sạch, an toàn từ một quá trình sản xuất có trách nhiệm với môi trường và người nông dân.
Cùng với UTZ Certified, một bộ tiêu chuẩn quốc tế khác là Rain Forest (RFA) cũng được Vitas khuyến cáo người trồng chè áp dụng. Hiện RFA đang được Công ty Chè Phú Bền (Phú Thọ) triển khai với sự hỗ trợ của Công ty Unilever.
Theo đánh giá của Công ty Chè Phú Bền, nhờ áp dụng RFA, giá chè xuất khẩu bình quân của Công ty trong năm 2011 đạt hơn 2 USD/kg, cao hơn so với mức giá xuất khẩu bình quân 1,5 USD/kg của cả nước, nhờ sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, được các thị trường khó tính như EU ưa thích. Nhờ vậy, Công ty có điều kiện nâng giá thu mua chè búp tươi của nông dân (khoảng 200-400 đồng/kg). Từ đó, nông dân sẽ có ý thức sản xuất tốt, sản xuất sạch vì chính lợi ích vững bền của họ.
Bà Bùi Thu Hương, Trưởng phòng đối ngoại Công ty Unilever, phụ trách quan hệ Chính phủ cho biết, hàng năm Unilever thu mua 30% lượng chè trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Công ty chấp nhận trả giá cao hơn giá thị trường cho các sản phẩm chè do nông dân sản xuất, nếu đó là chè có chứng chỉ quốc tế. Công ty sẽ giúp đỡ để nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế này.
Vì sản phẩm an toàn
Năm 2011, cả nước xuất khẩu khoảng 131.000 tấn chè, đạt kim ngạch 198 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2010 giảm cả về lượng (-4,3%) và giá trị (-0,8%). Năm 2011 cũng là năm sóng gió của ngành chè với "scandal chè bẩn", lại không gặp thuận lợi về thời tiết nên kim ngạch xuất khẩu sụt giảm.
"Việc người dân sản xuất chè bẩn xuất sang Trung Quốc đã để lại cho người tiêu dùng một nỗi lo lắng, buộc chúng tôi phải nhìn nhận lại và thấy rằng ngành chè đang ở đáy hình sin và phải thay đổi lại mọi việc, từ cách quản lý, kiểm soát... Do đó, Vitas đã phối hợp với 2 tổ chức quốc tế tiên phong tìm cách tháo gỡ. Mặc dù trước đây Việt Nam đã áp dụng khá nhiều tiêu chuẩn trong sản xuất chè như VietGAP, GlobalGAP, tuy nhiên tính thương mại của các tiêu chuẩn này trên thế giới không cao, trong khi UTZ và Rainforest là tiêu chuẩn quốc tế được người tiêu dùng quan tâm. Do đó 2 tiêu chuẩn này cũng được xem là một trong những tấm "visa" tốt nhất cho sản phẩm chè Việt bước vào thị trường cao cấp", ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Vitas cho biết.
Cũng theo ông Tuân, trong hành trình hướng đến nền sản xuất chè sạch, trách nhiệm, ý thức của người trồng cần được thay đổi đầu tiên. "Hành trình đó khá dài nên chúng tôi rất cần sự tham gia bền bỉ của các bên trong chuỗi sản xuất từ nông dân, DN, người tiêu dùng đến các cơ quan chức năng và các tổ chức phát triển bền vững. Để vực dậy uy tín cho sản phẩm chè Việt Nam, ngành chè lấy năm 2012 là năm khởi động cho chương trình Vì sản phẩm trà an toàn, sản xuất có trách nhiệm", ông Tuân nói.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác