|
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Ý Yên (Nam Định)
|
Ngành gỗ trở lại "sân nhà"
Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, lâu nay các doanh nghiệp (DN) đổ xô vào xuất khẩu, hầu như không ngó ngàng gì đến thị trường trong nước. Thậm chí, nhiều DN rất "chảnh" đối với khách hàng nội địa vì cho rằng đơn hàng nhỏ hơn, lợi nhuận thấp hơn so với xuất khẩu. Tuy nhiên, theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện nay doanh số nội địa của DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) đã ngang bằng doanh số xuất khẩu, ước khoảng 3,4 tỷ USD/năm. Điều đó cho thấy, thị trường nội địa thực sự lớn và DN đã chịu khó quan tâm hơn.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, bên cạnh việc trở lại "sân nhà", hiện đồ gỗ của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước châu Âu (EU), Trung Đông… Xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2011 đạt 3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tiến như hiện nay, kim ngạch cả năm của gỗ có thể đạt 4 tỷ USD, vượt xa thành tích năm 2010, khi lần đầu tiên xuất khẩu gỗ của nước ta đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD, vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, các DN xuất khẩu gỗ đang vướng phải 2 khó khăn lớn, trong đó khó nhất là phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo ông Quyền, sau khi có chính sách "đóng cửa rừng", mỗi năm nước ta phải nhập tới 4 triệu mét khối gỗ từ Lào, châu Phi và các nước khác. Thiếu nguyên liệu cộng với giá gỗ nhập khẩu ngày càng tăng khiến đồ gỗ Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực vì họ sẵn có lợi thế từ nguồn gỗ khai thác trong nước.
Một khó khăn nữa là vướng các đạo luật yêu cầu chứng minh "lai lịch" gỗ nguyên liệu. Trong đó, đạo luật Lacey (Hoa Kỳ) từ ngày 1/4/2010 cấm buôn bán gỗ và sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, bắt buộc DN phải nộp tờ khai, chứng từ rõ ràng về tên, loại gỗ, nước khai thác gỗ, cách thức khai thác... của Hội đồng Quản lý rừng bền vững thế giới (gọi tắt là chứng nhận FSC). Từ tháng 1/2012, DN còn phải gánh thêm đạo luật FLEGT của EU, cũng yêu cầu các lô đồ gỗ nhập vào EU phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc. Vì thế, ông Quyền cho rằng, để đảm bảo có nguồn nguyên liệu "sạch", chúng ta cần giảm dần gỗ nhập khẩu.
Theo đó, Nhà nước cần tạo cơ chế cho các DN đầu tư trồng rừng. Chính phủ cần rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, đầu tư giải pháp khoa học công nghệ để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo uy tín cho sản phẩm gỗ, Nhà nước cũng cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ gỗ.
Sản phẩm nhỏ, giá trị lớn
Nếu so sánh với một số mặt hàng khác như may mặc, gỗ và giày da… thì ngành TCMN thực sự có giá trị lớn. Với nguyên, vật liệu được thu lượm từ phụ phẩm nông, lâm nghiệp (nguyên, phụ liệu nhập ước tính chỉ chiếm 3-3,5% giá trị xuất khẩu), mặt hàng TCMN đa phần đạt 100% giá trị, còn lại ít nhất cũng đạt trên 80% giá trị nội địa hóa trong kim ngạch xuất khẩu. Theo tính toán, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành TCMN thì lãi gấp 5-10 lần so với ngành khai thác tài nguyên; giải quyết việc làm cho 3.000-5.000 lao động…
Để phát huy giá trị của hàng TCMN cũng như nâng cao tỷ trọng của ngành vào kim ngạch xuất khẩu, mới đây Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án xuất khẩu hàng TCMN giai đoạn 2010-2015. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN đạt 1,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành mây tre lá đạt 530 triệu USD, chiếm 30%, nhóm ngành dệt thủ công đạt 270 triệu USD, chiếm 17%...
Tuy nhiên, để những sản phẩm nhỏ có thể đem lại giá trị lớn, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch, khai thác và phát triển nguồn nguyên liệu, đào tạo, nâng cao tay nghề một cách bài bản cho lực lượng lao động, đẩy mạnh xúc tiến thương mại…
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/10/30971.html