|
Người nuôi thủy sản cần chủ động kiểm tra ao, hồ nuôi trước thời điểm lũ đổ về.
|
Thay đổi chất lượng nguồn nước
Nước lũ tràn về gây nhiều thiệt hại cho bà con nuôi cá trong vùng lũ, bởi nó cuốn trôi phèn, vật chất hữu cơ phân hủy, độc tố thuốc bảo vệ thực vật hòa vào dòng nước của các con sông, kênh rạch (nước cỏ, nước son), làm thay đổi đột ngột điều kiện môi trường (pH giảm, độ trong thấp), thậm chí ô nhiễm môi trường nước. Từ đó, lũ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến cá nuôi bè, hay gây ảnh hưởng gián tiếp đến cá nuôi ao thông qua hoạt động lấy nước, thay nước.
Ông Phan Hữu Hội - Chi cục phó Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết: Lũ về khiến mực nước trong các vùng nội đồng dâng cao gây ra hiện tượng tràn bờ, phá bờ, đặc biệt là gây ra áp lực phèn lên ao nuôi cá, nhất là khi nước lũ mới xuất hiện, từ đó gây thất thoát hay tác động xấu lên cá nuôi.
Theo số liệu quan trắc môi trường nuôi thủy sản của Chi cục Thủy sản Tiền Giang tại các vùng nuôi thủy sản tập trung ven sông Tiền tháng 9.2011 cho thấy, môi trường nước trên sông Tiền đã có những biến động xấu cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, cụ thể như chỉ tiêu BOD5 (nhu cầu oxy sinh học để phân hủy hết lượng vật chất lơ lửng trong nước) tại Hoà Hưng vượt gấp 1,83 lần giới hạn cho phép (giá trị giới hạn cho phép BOD5 nhỏ hơn 6 mg/l), tại Thới Sơn vượt gấp 1,66 lần giới hạn cho phép; chỉ tiêu Coliform (tổng số vi khuẩn trong nước) tại Hoà Hưng vượt gấp 4,4 lần giới hạn cho phép, tại Thới Sơn vượt gấp 1,88 lần giới hạn cho phép (giới hạn cho phép của chỉ tiêu Coliform là nhỏ hơn 5.000MPN/100 ml).
Làm sao hạn chế thiệt hại?
Để có thể hạn chế những thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản mùa lũ, các hộ sinh sống bằng nghề ương nuôi cá giống trên ruộng trong những khu vực có lũ hàng năm, cần thu hoạch ngay trước khi lũ về. Những hộ dự định ương cá giống cho thời gian tới phải đợi sau khi lũ rút mới tiến hành ương nuôi.
Những hộ có ao nuôi cá thịt ngoài khu đê bao, với cá chưa tới lứa thu hoạch hoặc có giá thấp, trước khi lũ về cần sang dồn cá vào ao có kích thước nhỏ hơn để dễ quản lý (lưu ý, không nên dồn cá với mật độ quá cao). Bờ ao cần gia cố chắc chắn, rào lưới xung quanh ao với độ cao hơn 0,5m so với đỉnh lũ cao nhất của các năm trước đó.
Những ngày nước lũ, cần chăm sóc và cho cá ăn đầy đủ, đúng liều lượng với những loại thức ăn viên công nghiệp có chất lượng, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách trộn Vitamin C vào thức ăn, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.
|
Nếu ao nuôi cá nằm trong khu đê bao, bà con cần gia cố kỹ bờ ao để tránh áp lực phèn từ ngoài rò rỉ vào ao gây biến động pH, rào lưới xung quanh ao với chiều cao lưới phải cao hơn bờ ao 0,5m để không cho cá thất thoát do nước tràn bờ.
Song song đó, cần đào rãnh xung quanh ao và rải vôi vào rãnh (5-7kg/100m2) để ngăn không cho phèn bên ngoài tràn vào ao. Sau đó, cũng cần hòa vôi vào nước tạt đều khắp ao (2-3kg/100m3) để nâng pH, đồng thời lắng tụ các chất hữu cơ lơ lửng trong nước.
Bà con nuôi cá nằm trong khu đê bao cần lưu ý, hạn chế thay nước ao nuôi cá trong thời gian lũ để không gây biến động môi trường nước trong ao, ảnh hưởng xấu đến cá.
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/62551p1c34/giam-thiet-hai-nuoi-thuy-san-mua-lu.htm