Tái đàn gia súc, gia cầm: Ngân hàng ngoảnh mặt

21/10/2011

Nhiều lãnh đạo Sở NN-PTNT kêu trời vì thái độ bất hợp tác của ngân hàng trước thảm cảnh khó khăn của nông dân. Hiện việc tái đàn gia súc, gia cầm gần như đình trệ vì các ngân hàng cương quyết không “làm ăn” với người chăn nuôi!

Tại hội nghị chăn nuôi phía Nam vừa qua, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, trước bối cảnh chăn nuôi đầy rẫy những khó khăn như dịch bệnh lây lan trở lại, giá heo gà giảm mạnh gây thua lỗ, các ngân hàng vốn đã không mặn mà, nay càng thêm xa lánh người chăn nuôi.
 “Đây là thời điểm người chăn nuôi cần vốn để tái đàn phục vụ cho lễ tết cuối năm, nhưng tất cả các ngân hàng đều dứt khoát không cho vay. Thậm chí Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phải mời các ngân hàng đến họp bàn, tìm cách giải quyết vốn cho chăn nuôi, nhưng cuối cùng vẫn “tắc”. Các ngân hàng đều thẳng thừng trả lời rằng: Không muốn cho chăn nuôi vay vì rủi ro quá cao!”, ông Hổ cho biết.
 Ông Hổ cũng khẳng định, ngay cả trong thời điểm chăn nuôi thuận lợi, các ngân hàng đều đưa ra cơ chế và thủ tục vay vốn chăn nuôi nhiêu khê, nhiều bất cập, người chăn nuôi tiếp cận được vốn cực khó nên luôn trong tình trạng “khát” vốn phát triển.
Tương tự, tại Tiền Giang nơi dịch tai xanh đang hoành hành ở 12 xã của 2 huyện với trên 10.000 con heo dính bệnh, người chăn nuôi cũng kêu trời vì ngân hàng “đóng cửa”. Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ mà ngay cả các trang trại cũng không thể vay vốn vì tất cả các lá đơn vay tiền đều được ngân hàng trả lời: Dịch bệnh đang lây lan không thể cho vay!
 Còn ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, giá heo gà đang xuống rất thấp, đặc biệt người chăn nuôi gà đang phải chịu lỗ 5.000 đồng/kg. Trước tình hình này, hầu hết các ngân hàng đều không muốn cho người chăn nuôi vay, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác xuống giống phục vụ cho thời điểm cuối năm.
Không chỉ bị “chặn đường” vốn vay, người chăn nuôi cũng đang bị “làm giá” khi mua con giống về tái đàn. Theo ông Phan Trọng Hổ, giá heo con giống tăng bất thường 100.000 – 110.000 đồng/kg, trong khi giá heo thịt tại Bình Định hiện chỉ trên 40.000 đồng/kg. “Giá chênh lệch quá cao như vậy thì làm sao người chăn nuôi có thể tái đàn được?” – ông Hổ bức xúc nói.
Tương tự, ông Nguyễn Phước Trung - Phó GĐ Sở NN-PTNT TPHCM khẳng định, giá giống gia cầm thời gian qua đang bị “làm giá” và bị chi phối bất hợp lý. “Vì thế, tôi đề nghị Bộ NN-PTNT nên có chính sách hỗ trợ phát triển các trại giống với quy mô lớn, kích thích giống gia cầm phát triển để từ đó “hạ nhiệt” mỗi khi giá giống bị ai đó điều khiển, chi phối”.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và tai xanh, nhiều tỉnh bày tỏ sự lo ngại lớn khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Đơn cử như tại Bình Định, ông Hổ cho biết có tới 80% là chăn nuôi nhỏ lẻ, hầu hết người dân thiếu ý thức phòng chống dịch bệnh, trong khi công tác chống dịch còn quá nhiều bất cập, khó có thể đảm bảo dịch không bùng phát trong những ngày tới. Vì thế, nhiều ý kiến đề xuất nên nhanh chóng dẹp bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ vì đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh không thể kiểm soát và lây lan khắp nơi.
Trước ý kiến này, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần khẳng định: Hơn 3 triệu hộ chăn nuôi là vấn đề an sinh xã hội là rất lớn, cuộc sống của hàng triệu nông dân sẽ ra sao? Không thể cứ nói dẹp là dẹp được. Hơn nữa, hình thức chăn nuôi gia trại (nhỏ lẻ) vẫn chiếm tới 80%, nếu lập tức không còn nữa thì sản lượng thịt sẽ giảm nghiêm trọng. Đây là đặc điểm riêng của VN, cho nên trong vòng 10 năm tới, chúng ta phải chấp nhận tồn tại 3 loại hình chăn nuôi là trang trại, công nghiệp và gia trại.
Thứ trưởng cũng khẳng định, từ trước đến nay chúng ta chưa làm mạnh về vấn đề tổ chức người chăn nuôi nhỏ lẻ như thế nào. Chăn nuôi gia trại yếu ớt về mọi mặt, nếu không có cách tổ chức lại sản xuất thì về lâu về dài sẽ không thể tồn tại. Vì thế, từ giờ đến cuối năm Cục Chăn nuôi phải xây dựng quy định về điều kiện chăn nuôi của gia trại để tổ chức lại sản xuất. Khuyến khích các địa phương làm thí điểm ở những nơi thuận lợi nhất để đưa DN về nông thôn, liên kết với nông dân để sản xuất.
Bộ NN- PTNT cũng khuyến khích làm theo chuỗi giá trị như mô hình ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM đang thực hiện: DN liên kết với nông dân, trang trại để cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật, thu mua và tiêu thụ. Đây cũng là một cách để phần nào giải bài toán về nguồn vốn cho người chăn nuôi, tuy nhiên phải làm sao đảm bảo sự hài hòa lợi ích cho cả 2 bên, tránh tình trạng nông dân bị DN chèn ép bất công.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần:
Chúng ta nói chăn nuôi hiệu quả không cao, trong khi vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp thì chăn nuôi lại đứng đầu bảng, hiệu quả kinh doanh của họ lại rất cao, trong khi chúng ta lại luôn gặp khó khăn. Vậy có phải là do chúng ta làm kém hay không?
Bất cập hiện nay là từ trung ương đến địa phương vẫn nghiêng về đầu tư cho trồng trọt (thủy lợi, điện, giao thông…), còn đầu tư cho chăn nuôi rất ít. Hiện trồng trọt chúng ta đã khai thác gần như tối đa, còn chăn nuôi thì chưa, vẫn rất nhiều tiềm năng. Giờ muốn khai thác tiếp vào nông nghiệp thì mảnh đất vẫn là chăn nuôi, vì thế các tỉnh phải quan tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị Chính phủ có hẳn một chính sách riêng để ngành chăn nuôi phát triển, thay cho các chính sách mang tính lồng ghép trước đây thực hiện hết sức khó khăn. Ngoài ra trong năm nay, tôi yêu cầu Cục Chăn nuôi cũng phải trình Bộ quy hoạch hệ thống giống cho từng vùng miền trong toàn quốc, trong đó chủ đạo là các Cty cổ phần và tư nhân với nhiều chính sách ưu đãi cho họ phát triển.
 
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/85325/Tai-dan-gia-suc-gia-cam-Ngan-hang-ngoanh-mat.aspx


Tin khác