Thiếu quy hoạch, làng nghề khó lớn mạnh

21/10/2011

Dù Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn đã được triển khai hơn 5 năm, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc quy hoạch làng nghề.

Thiếu quy hoạch, khó tiếp cận vốn đang là vướng mắc lớn của làng nghề rèn Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng.
Nhiều vướng mắc đã được thẳng thắn "mổ xẻ" tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66, do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 20.10.
Khó tiếp cận vốn
Theo số liệu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tháng 10.2011 và báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó 3.251 làng có nghề và 1.324 làng nghề được công nhận. Bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6-15%/năm.
Hoạt động sản xuất nghề ở khu vực nông thôn đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn... với thu nhập trung bình đạt từ 450.000 đến 4 triệu đồng/tháng (gấp 1,5-4 lần lao động thuần nông).
Ông An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối khẳng định, việc thực hiện Nghị định 66 đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhiều ngành nghề đang trên đà phát triển mạnh, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thiếu quy hoạch làng nghề đang là vướng mắc lớn nhất để thúc đẩy có hiệu quả hơn ngành nghề ở nông thôn. Trong đó, việc khó tiếp cận nguồn vốn vay là rào cản để quy hoạch làng nghề phát triển bền vững.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước VN cho thấy, nếu như đến 31.12.2006, dư nợ cho vay phát triển ngành nghề nông thôn đạt khoảng 20.516 tỷ đồng thì đến tháng 3.2011 là 53.207,4 tỷ đồng. Tuy vậy, trên thực tế, đại diện của Sở Công Thương An Giang, cho rằng, so với các doanh nghiệp lớn việc vay vốn phát triển nghề truyền thống đang bị "phân biệt đối xử".
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hồ Xuân Hùng nói rõ: Dư nợ cho vay dù tăng nhưng nhiều địa phương vẫn đang thiếu vốn hoặc khó tiếp cận với vốn vay.
Chủ động, quyết liệt quy hoạch làng nghề
Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, cho rằng, việc phát triển làng nghề chưa có tính đột phá vì thiếu một cơ cấu khoa học. Theo ông, đã đến lúc phải có đột phá về chính sách và tổ chức thực hiện, trong đó đặc biệt là quy hoạch lại làng nghề. "Việc quy hoạch cụm làng nghề, chúng ta đã nói nhiều nhưng làm không được bao nhiêu" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Việc thiếu quy hoạch làng nghề dẫn đến một loạt hệ lụy như thiếu mặt bằng sản xuất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng đề nghị thời điểm này các sở cần phải chủ động, nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về quy hoạch làng nghề và thực hiện một cách quyết liệt.
Việc thiếu quy hoạch làng nghề dẫn đến một loạt hệ lụy như thiếu mặt bằng sản xuất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Hùng cũng thừa nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, cộng đồng dân cư xung quanh và sẽ để lại những "di chứng" lâu dài. Ông Hùng cho biết, Bộ NNPTNT cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ sớm hoàn thiện trình Quốc hội phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về môi trường làng nghề.
Việc chưa làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở NNPTNT, Sở Công Thương cũng đang dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc trống trong quản lý nhà nước khi thực thi Nghị định 66. Thứ trưởng Hùng cho rằng đây là thiếu sót của Bộ NNPTNT dẫn đến việc yếu kém trong tổ chức thực hiện.
Trước mắt, theo ông Hùng, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư liên bộ hướng dẫn các địa phương làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở NNPTNT và Sở Công Thương theo hướng thống nhất về đầu mối một sở.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/62548p1c34/thieu-quy-hoachlang-nghe-kho-lon-manh.htm


Tin khác