Phát triển hộ kinh doanh cá thể: Cần sự hỗ trợ của nhà nước

08/12/2011

Hộ kinh doanh cá thể được đánh giá là mô hình quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, giải quyết nhu cầu việc làm cho một số lượng không nhỏ lao động. Thế nhưng, có một thực tế là các hộ kinh doanh cá thể này vẫn chưa được đăng ký kinh doanh tại các địa phương và cũng rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường kinh doanh đặc biệt là thay đổi về cơ chế chính sách.

Tại hội thảo “Giới thiệu kết quả nghiên cứu về điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương  - Năm thứ 2” do Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn dưới sự chủ trì của Viện chiến lược chính sách Bộ NN – PTNT tổ chức sáng nay (8/12) tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường đầu tư  - PCI dựa trên đánh giá của các DN có đăng ký kinh doanh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng từ năm 2005, đã trở thành một chỉ số cơ sở được toàn xã hội quan tâm. Thông qua chỉ số này, các địa phương có thể giám sát được môi trường kinh doanh và thể chế của tỉnh mình, có thể đưa ra những điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của các hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì trong thời gian vừa qua do tác động của nhiều yếu tố trong đó, phải kể đến trình độ học vấn của chủ hộ kinh doanh nước ta hiện còn thấp, quy mô kinh doanh còn nhỏ, sử dụng ít lao động và chủ yếu là lao động gia đình. Mặt khác, nguồn vốn mà hộ kinh doanh tham gia sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có, tỷ lệ vốn vay chiếm rất ít. Đối với mặt bằng kinh doanh của hộ hiện cũng còn khá nhiều hạn chế, các hộ chủ yếu sử dụng đất đai sẵn có của hộ vào kinh doanh. Chính những hạn chế trên đã khiến vai trò của hộ kinh doanh cá thể trong nền kinh tế nước ta đã không được phát huy.
Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia cũng như đại diện nhóm nghiên cứu về Xây dựng chỉ số môi trường kinh doanh cấp tỉnh và huyện cho Việt Nam đều đồng nhất với ý kiến nghị rằng, nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ hoạt động của hộ kinh doanh như: hỗ trợ trong việc tiếp cận với mặt bằng kinh doanh, nguồn vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các chính sách và chương trình hỗ trợ nâng cao hiểu biết về quy định pháp luật, nâng cao trình độ nghề nghiệp của các chủ sở hữu cũng rất cần thiết cho khu vực nông thôn. 
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
 

Tin khác