“PCI” từ các hộ kinh doanh cá thế

08/12/2011

Môi trường kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương.

Hôm nay, 8/12, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã tổ chức hội thảo giới thiệu nghiên cứu “Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các cơ sở/ hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương” nhằm xây dựng chỉ số đánh giá và xếp hạng môi trường đầu tư cấp tỉnh và huyện.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường đầu tư – PCI dựa trên đánh giá của các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh được VCCI xây dựng từ năm 2005, đã trở thành một chỉ số cơ sở được toàn xã hội quan tâm. Thông qua chỉ số này, các địa phương có thể giám sát được môi trường kinh doanh của tỉnh mình đặc biệt là thể chế để có những điều chỉnh chính sách kịp thời.
Bên cạnh khối các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh được nghiên cứu trong PCI, các hộ kinh doanh cá thể cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo việc làm cho địa phương và cũng rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là chính sách.
Chính vì vậy, trong hai năm vừa qua, Trung tâm thông tin phát triển nông thôn – thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã thực hiện nghiên cứu “Điều tra thí điểm đánh giá môi trường đầu tư cho các cơ sở/ hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh tại một số địa phương- Năm thứ 2” nhằm xây dựng chỉ số đánh giá và xếp hạng môi trường đầu tư cấp tỉnh và huyện, xác định mối tương quan giữa chỉ số này với một số yếu tố kinh tế- xã hội khác.
Để xây dựng được chỉ số này, trong 2 năm vừa qua, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra 900 hộ kinh doanh tại tỉnh Phú Thọ, Đăk Lăk và thành phố Cần Thơ. Kết quả phân tích các chỉ số thành phần cho thấy trong các yếu tố về môi trường kinh doanh được các hộ đánh giá tích cực là tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn và chi phí không chính thức. Ngược lại, các yếu tố được các hộ kinh doanh cho mức điểm dưới trung bình là thị trường đầu ra, tiếp cận thông tin và hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nghiên cứu này rất có giá trị vì tính trung bình cứ 2 hộ nông dân lại có 1 hộ kinh doanh thuộc đối tượng của nghiên cứu và đây cũng là hiện tượng tất yếu hiện nay.
Vấn đề đặt ra là cần mở rộng điều tra để phù hợp với toàn bộ hơn 60 tỉnh, thành cả nước, cùng với đó cần nêu rõ các kiến nghị khi sử dụng chỉ số mới này để đưa vào chương trình nông thôn mới và hệ thống khuyến công, khuyến nông để tránh việc lập những tổ chức mới làm phân tán nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh đó cần tuyên truyền cho các hộ kinh doanh thấy được toàn cảnh môi trường kinh doanh của mình để có những liên kết để tạo các hội ngành nghề, vừa tránh những cạnh tranh không cần thiết, vừa tạo được tiếng nói chung để bảo vệ và phát triển từng hộ kinh doanh trong toàn hội đó.
Theo bà Phạm Chi Lan, sau khi nghiên cứu mở rộng chỉ số này, cũng cần chỉ rõ các tác động cụ thể để người dân cũng như chính quyền địa phương nhận thức được tầm quan trọng và tác động của chỉ số với phát triển kinh tế địa phương khi nó được chính thức công bố.
Theo Baodientu.chinhphu.vn

Nguồn:http://baodientu.chinhphu.vn/Home/PCI-tu-cac-ho-kinh-doanh-ca-the/201112/104266.vgp


Tin khác