Sản xuất lâm nghiệp năm 2011: Nỗ lực vượt khó

02/02/2012

Khép lại năm 2011, sản xuất lâm nghiệp được đánh giá là có nhiều thuận lợi, song cũng không ít những khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, sản xuất lâm nghiệp năm 2011 vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp của cả nước năm 2011 đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2010.

Nhiều diện tích rừng được trồng mới trong năm 2011
Trong những tháng đầu năm 2011 thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, cộng thêm tình hình khô hạn diễn ra hầu khắp các địa phương nên đã ảnh hưởng không tốt đến sản xuất lâm nghiệp. Bên cạnh đó nguồn vốn trồng rừng trong năm thiếu do không còn nguồn vốn đầu tư từ Dự án 5 triệu ha rừng (Dự án 661) cũng làm giảm diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành lầm nghiệp cùng với một số chính sách phát triển lâm nghiệp được ban hành kịp thời đã khuyến khích người dân và các chủ dự án mở rộng đầu tư sản xuất, nhờ đó, diện tích trồng rừng sản xuất vẫn đạt được kết quả khả quan.
Kết thúc năm 2011, diện tích rừng trồng được chăm sóc năm 2011 đạt 547 nghìn ha, tăng 3,7% so với năm 2010; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 942 nghìn ha, tăng 4,2%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 169 triệu cây, tăng 0,4% so với năm 2010...
Hiện các địa phương trên cả nước đã kết thúc vụ trồng rừng 2011. Các tỉnh đang khẩn trương kết thúc thiết kế ngoại nghiệp phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2012; phát dọn thực bì tại hiện trường trồng rừng theo quy định; duy trì chăm sóc cây giống đảm bảo số lượng và chất lượng cho công tác trồng rừng.
Một số tỉnh có diện tích trồng rừng lớn trong năm 2011 là Nghệ An trong năm 2011 trồng được 15,4 nghìn ha, Tuyên Quang đạt 15 nghìn ha, Yên Bái đạt 14,8 nghìn ha, Bắc Kạn đạt 14 nghìn ha, Bình Định đạt 9,3 nghìn ha, Bình Thuận đạt 3,3 nghìn ha, Phú Yên và Quảng Nam 3000 ha….
Cùng với công tác trồng và bảo vệ rừng, trong năm 2011, ngành lâm nghiệp đã triển khai tốt công tác khai thác gỗ, sản lượng gỗ khai thác năm 2011 đạt 4692 nghìn m3, tăng 17%, so với năm 2010. Trong đó, gỗ nguyên liệu giấy là 2200 nghìn m3; củi khai thác đạt 26,6 triệu ste, tăng 3,5%. Sản lượng gỗ năm nay tăng mạnh chủ yếu do nhu cầu tăng cao và giá trên thị trường ổn định.
Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh là: Gia Lai 426,5 nghìn m3, tăng 93,2% so với năm trước; Yên Bái 265 nghìn m3, tăng 32,4%; Bình Định 262 nghìn m3, tăng 20%; Quảng Ngãi 245,4 nghìn m3, tăng 32,1%; Quảng Trị 170,8 nghìn m3, tăng 24,9%; Quảng Ninh 225,9 nghìn m3, tăng 118%; Thái Nguyên 109,4 nghìn m3, tăng 115,8%.
Đối với công tác bảo vệ rừng và tuyên truyền phòng chống cháy rừng luôn được các địa phương quan tâm và tổ chức triển khai đến các thôn, bản. Tuy nhiên, do thời tiết đầu năm khô hạn kéo dài nên hiện tượng cháy rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương. Tổng diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá năm 2011 là 3515 ha, bằng 45,2% năm 2010, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1598 ha, bằng 23,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 1917 ha, tăng 81,3%.
Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều trong năm 2011 là Kon Tum 289 ha, Lai Châu 242 ha, Gia Lai 208 ha, Phú Yên 156 ha. Một số tỉnh có diện tích rừng bị phá nhiều là: Đắk Lắk 559 ha, Lâm Đồng 216 ha, Đắk Nông 204 ha, Bình Định 188 ha, Bình Phước 172 ha, Phú Yên 117 ha...
Bước sang năm 2012, để tiếp tục đà tăng trưởng, ngành lâm nghiệp đã có những phương hướng mới cho phát triển sản xuất, như cần phải tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của toàn ngành, ứng dụng có hiệu quả khoa học, kỹ thuật, công tác trồng và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả các dự án trồng rừng… Đồng thời, đẩy mạnh công tác trồng cây, đặc biệt là với những cây lâu năm, phát triển cây công nghiệp, quản lý tốt hơn nữa khâu khai thác và chế biến lâm sản…
Mong rằng với những nỗ lực không ngừng, trong năm 2012 ngành lâm nghiệp cả nước sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo cpv.org

Tin khác