Để nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn

10/02/2012

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng. Trong những năm qua, với sự nỗ lực không ngừng, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, để thoát khỏi những tồn tại như sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng khoa học kỹ thuật còn thấp, đòi hỏi phải có sự quy hoạch bài bản để nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn.

Những thành tựu nổi bật
Sản xuất nông nghiệp là ngành phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nhờ đó, tỷ trọng xuất khẩu từ sản phẩm nông nghiệp tăng trưởng cao, một số sản phẩm đã đứng hàng đầu trong xuất khẩu trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn 2006-2010, nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; an ninh lương thực được đảm bảo.
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 3,36%/năm, vượt mức mục tiêu 3-3,2%/năm của Đại hội Đảng X đề ra và kế hoạch 5 năm của ngành. Giá trị sản xuất toàn ngành bình quân tăng 4,93%/năm (mục tiêu kế hoạch là 4,5%) trong giai đoạn 2006 - 2010. Riêng trong năm 2011, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá cố định 1994) tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp tăng 4,78%; lâm nghiệp tăng 5,74%; thủy sản tăng 6,39%. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 3%.
Cùng với đó, lĩnh vực trồng trọt tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ hướng mạnh ra xuất khẩu. Trong 5 năm 2006 – 2010, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt mức khá cao, bình quân khoảng trên dưới 4,%/năm (chỉ tiêu kế hoạch 2,7%). Đặc biệt, sản xuất lương thực đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và 5 năm 2006 – 2010 xuất khẩu trên 26,757 triệu tấn gạo, với kim ngạch trên 11,5 tỷ USD.
Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún
 
Đối với chăn nuôi, tuy có nhiều khó khăn về dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 6,3%/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 năm qua giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân vẫn đạt trên 7,5%/năm. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi đã tăng từ 19% năm 2005 lên 21,6% vào năm 2010.
Về lĩnh vực thuỷ sản, những năm qua, thủy sản tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên cả hai hướng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, đang trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thuỷ sản dù chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ là 10,5%/năm nhưng cũng đạt mức khá cao trong 5 năm 2006-2010 (bình quân 7,5%/năm). Tỷ trọng giá trị sản xuất thuỷ sản trong tổng giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản tăng từ 21,26% năm 2005 lên 24,26% năm 2010.
Sản lượng thuỷ sản khai thác đã tăng từ 1.987,9 ngàn tấn năm 2005 lên 2.395 ngàn tấn năm 2010, tăng 407 ngàn tấn. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng nhanh từ 1,47 triệu tấn năm 2005 lên 2,8 triệu tấn năm 2010, bình quân mỗi năm tăng 266 ngàn tấn. Cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản tiếp tục có sự chuyển đổi theo hướng tăng nhanh giá trị nuôi trồng từ 59,2% năm 2005 lên 67% năm 2010; ngược lại giá trị khai thác đánh bắt giảm từ 40% năm 2005 xuống còn 33% năm 2010.
Về lâm nghiệp, trong thời gian qua cũng đã có chuyển biến theo hướng từ hoạt động khai thác là chính sang bảo vệ rừng tự nhiên, tăng cường giao khoán bảo vệ rừng, thực hiện chủ trương rừng có chủ nên rừng tự nhiên được khôi phục nhanh. Hoạt động lâm nghiệp đã thực sự chuyển từ chủ yếu dựa vào quốc doanh sang phát triển lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 1,2% năm 2005 lên 4% năm 2010, bình quân mỗi năm tăng 3%, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ (chỉ tiêu 2,3%).
Một trong những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp trong thời gian qua còn phải kể đến đó là thị trường tiêu thụ nông lâm thuỷ sản được mở rộng cả trong và ngoài nước, xuất khẩu được đẩy mạnh. Nhiều sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, chất lượng cao, mẫu mã bao bì đẹp được tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước như các sản phẩm chế biến từ cà phê, chè cao cấp, gạo ngon , thủy sản,… Tiêu thụ nông lâm thuỷ sản trong nước đã góp phần quan trọng cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong nước, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân, bảo đảm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới... Ngoài ra, những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp được áp dụng rộng rãi; cơ giới hoá, công nghiệp chế biến được chú trọng đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đẩy mạnh quy hoạch sản xuất trong nông nghiệp
Tại Nghị quyết số 26 – NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn khẳng định: “Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng, sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả, duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với chế biến và thị trường…”.
Có thể nói, việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp là việc làm cần thiết không chỉ để thoát khỏi những hạn chế như sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa nhiều, cơ giới hóa đạt thấp trước yêu cầu của thực tế, mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.
Trước thực tế này, mới đây, ngày 2/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 124/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Với mục tiêu chung là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm rừng.
Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 cũng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể là trong thời kỳ 2011 – 2020 sẽ cơ cấu ngành nông lâm thủy sản đến năm 2020, trong đó, nông nghiệp chiếm 64,7%, lâm nghiệp chiếm 2%, thủy sản chiếm 33,3%; tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản bình quân từ 3,5 - 4%/năm.... Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 22 tỷ USD, lâm nghiệp 7 tỷ USD, thủy sản 11 tỷ USD. Giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp bình quân 70 triệu đồng.
Tầm nhìn năm 2030, cũng đặt mục tiêu đối với cơ cấu ngành nông lâm thủy sản trong đó, nông nghiệp chiếm 55%, lâm nghiệp chiếm 1,5%, thủy sản chiếm 43,5%; Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 3 - 3,2%/năm; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 4 - 4,3%/năm; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 60 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 30 tỷ USD, lâm nghiệp 10 tỷ USD, thủy sản 20 tỷ USD; Giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 100 - 120 triệu đồng.
Để đạt được những mục tiêu trên Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 cũng đặt ra 7 giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất ngành nông nghiệp. Theo đó, tập trung nâng cao nhận thức, tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển ngành trong kinh tế thị trường; Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại để thực hiện các mục tiêu của quy hoạch; Nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, Nhà nước đảm bảo ưu tiên vốn đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, tương ứng với nhiệm vụ phát triển nông lâm, diêm nghiệp và thủy sản theo quy hoạch được duyệt…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản theo quy hoạch; Tiếp tục đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn. Trong đó, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng mở rộng quy mô trang trại; hỗ trợ hộ nghèo vươn lên xóa nghèo và từng bước làm giàu. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, Hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Về đất đai, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất để tham gia doanh nghiệp, vào các dự án đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhanh việc giao đất, khoán rừng trong lâm nghiệp và chính sách khuyến khích cộng đồng thôn, bản, xã, nhân dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên và phát triển rừng kinh tế…
Đối với lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp sẽ phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 70% năm 2010 lên 95%; khâu gieo trồng, chăm bón từ 25% lên 70%, khâu thu hoạch từ 30% lên 70%, khâu chế biến từ 30% lên 80%. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất máy động cơ, máy canh tác phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, diêm nghiệp với giá thành hợp lý. Mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng mẫu lớn, nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm….
Với những giải pháp thiết thực, những chính sách và hoạch định phù hợp cùng với những nỗ lực không ngừng của ngành nông nghiệp. Mong rằng, trong thời gian tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác