GS Đặng Hùng Võ: Nên xóa thời hạn giao đất nông nghiệp

10/02/2012

Nguyên Thứ trưởng Bộ TM&MT, GS Đặng Hùng Võ, cho rằng, nên xóa thời hạn, giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, để họ yên tâm đầu tư, sản xuất trên cánh đồng của mình.

GS Võ nói, nếu không xóa bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp, không thể kêu gọi đầu tư lớn từ người dân.
Công nhận đa sở hữu
Quốc hội đang nghiên cứu tổng kết, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như xem xét sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có chế độ sở hữu đất đai. Theo ông, cần làm rõ vấn đề này như thế nào?
Nhiều ý kiến đã thảo luận về sở hữu đất đai, tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu sâu về chế độ sở hữu, đưa ra một chế độ phù hợp với giai đoạn này - giai đoạn áp dụng cơ chế thị trường định hướng XHCN. Phải thảo luận hết nhẽ, để có quyết định đúng.
Tức là có cách thức tiếp cận đất đai như thế nào cho phù hợp với giai đoạn này (trước đây gọi là giai đoạn quá độ lên CNXH). Hiến pháp 1959 ghi nhận nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH và công nhận đa sở hữu về tư liệu sản xuất (trong đó có đất đai), đó là cách xử lý mềm dẻo.
Thứ hai về lý luận, sở hữu đất đai không giống bất kỳ một loại sở hữu nào khác. Các nước tư bản cũng thừa nhận sở hữu đất đai khác sở hữu tài sản thông thường, trong đó có một phần là người giữ đất được tác động và có một phần cái chung được tác động. Cái chung được hiểu là cơ quan quản lý, cộng đồng.
Pháp luật của Việt Nam có thuật ngữ “quyền địa dịch” - quyền được sử dụng chung ở một phạm vi nhất định. Ví dụ, với đất nông nghiệp thì được quyền tát nước đi qua, nhà ở trong nếu không có lối đi, được mở ngõ qua thửa đất bên ngoài. Đây là quyền mà cộng đồng có thể tác động vào, tất nhiên trong phạm vi nhất định.
Thứ hai, nhà nước cũng có quyền chiếm cứ đất đó vì mục đích công cộng, an ninh, quốc phòng (theo điều 23 Luật Đất đai).
Vì vậy, nói sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân cũng chỉ là tương đối. Điều quan trọng, đó là quyền của nhà nước, quyền của cộng đồng và quyền của người đang giữ đất đến đâu, phải làm rõ. Khi đó, quy định là sở hữu toàn dân, hay đa sở hữu đều được.
Để tăng trách nhiệm của những người đang giữ đất thì nên tiếp nhận một chế độ về đa sở hữu sẽ thuận tiện hơn trong khung cảnh phát triển quá độ. Đó là một hình thức sở hữu phù hợp, còn nội dung, thì như tôi đã nói - nội dung chính là quyền của ai đến đâu, phải rõ.
Chấp nhận đa sở hữu thì quyền nhà nước vẫn nguyên như vậy, chứ không phải đa sở hữu thì quyền nhà nước không còn. Chỉ có điều, chấp nhận như vậy, sẽ mềm hóa được cơ chế, trong giai đoạn quá độ. Hiện chúng ta vẫn có phần cứng nhắc khi giữ sở hữu toàn dân trong khi nội dung của nó dễ bị lợi dụng, làm méo mó.
Vậy đa sở hữu về đất đai nên hiểu như thế nào và cần được quy định ra sao?
Hiến pháp năm 1959 đã nói rõ về các hình thức sở hữu đó là sở hữu nhà nước, tập thể, cá nhân và tư bản tư nhân (tư sản dân tộc). Giai đoạn hiện nay có thể công nhận đa sở hữu theo các thành phần kinh tế, vì mỗi thành phần đại diện cho một khu vực kinh tế khác nhau.
Ngoài ra, phải có sở hữu cộng đồng bởi ở nước ta, sở hữu cộng đồng về ruộng đất là một đặc trưng rất lớn, ví dụ đất 5%, đất cơ sở tín ngưỡng (nhà thờ họ, đền, đình, rừng gắn với phong tục của đồng bào)…
GS Đặng Hùng Võ
Động lực mới cho nông nghiệp
Năm 2013 là thời điểm hết thời hạn giao đất 20 năm theo Luật Đất đai 1993, theo ông nên điều chỉnh vấn đề này ra sao?
Luật Đất đai 1993 đưa ra cơ chế sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn 20 năm (đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản làm muối) và 50 năm (đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất). Và cũng theo tinh thần là hết thời hạn mà sử dụng đất có hiệu quả, không vi phạm pháp luật thì được tiếp tục sử dụng.
Đấy là tư duy pháp luật đúng, nhưng lại rất lý thuyết. Vì ở chỗ, ai là người xác định ông này sử dụng đất có hiệu quả để cho kéo dài, ông sử dụng không hiệu quả phải đổi người khác.
Với cơ chế này, người dân luôn lệ thuộc vào chính quyền, phải “nịnh” chính quyền để họ xác nhận cho - đấy là cơ chế dễ phát sinh, tạo ra rủi ro và các nguy cơ về tham nhũng. Một việc gì người dân cứ phải đến cầu chính quyền mới được thì sẽ phát sinh tham nhũng.
Theo quan điểm của tôi, nên xóa thời hạn đó đi. Bởi vì đặt ra thời hạn có dài đến đâu thì người muốn đầu tư lâu dài, đầu tư lớn cũng không dám. Trường hợp ở Tiên Lãng, những nông dân như anh Vươn đã bỏ công quai đê lấn biển, vay tiền lớn để đầu tư cải tạo đất nhưng lại bị rủi ro rất lớn.
Nếu không xóa bỏ thời hạn, khó có thể kêu gọi người nông dân, những người ham làm ruộng, sản xuất nông nghiệp đầu tư vào đồng ruộng. Vấn đề là động lực gì mới để có thể phát triển nông nghiệp?
Trước đây chúng ta dựa vào động lực giao đất cho hộ gia đình cá nhân để đưa nông nghiệp phát triển, bây giờ động lực này cạn rồi.
Muốn phát triển tiếp, phải đầu tư dài hơi, từ giống phân bón, thức ăn, thủy lợi, cơ khí, cải tạo đất để tạo năng suất cao. Nếu không xóa bỏ thời hạn, không thể kêu gọi đầu tư lớn từ phía người dân.
Tức là nên quy định cho người nông dân được sử dụng đất lâu dài?
"Nói sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân cũng chỉ là tương đối.Điều quan trọng, đó là quyền của nhà nước, quyền của cộng đồng và quyền của người đang giữ đất đến đâu, phải làm rõ. Khi đó, quy định là sở hữu toàn dân, hay đa sở hữu đều được” - GS Đặng Hùng Võ
Tôi cho rằng đất đai của hộ gia đình cá nhân thì nên tạo điều kiện sử dụng vĩnh viễn, giống như chúng ta đã công nhận đất ở. Nhưng với tổ chức thì chúng ta lại hơi quá đà, để vĩnh viễn là không đúng. Đây là cái tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức bất động sản đầu cơ đất đai.
Vì anh được sử dụng lâu dài anh bôi dự án đến bao giờ cũng được, nói là bán hết cũng được chưa bán hết cũng được.
Nếu quy định thời hạn, hết thời hạn anh buộc phải bán, tức là sẽ không thể đầu cơ nữa. Như vậy, có những cái chúng ta hơi chật hẹp với hộ gia đình nhưng lại có cái quá rộng rãi với tổ chức trong hệ thống pháp luật hiện nay.
Theo Tiền phong
 

Tin khác