Cần giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất, tiêu thụ cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long

10/02/2012

Mặc dù đạt được kết quả cao trong năm 2011, song việc sản xuất và tiêu thụ cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều thách thức, cần tháo gỡ trong năm 2012, nhất là vấn về vốn. Đó là những ý kiến được các nhà doanh nghiệp, người nuôi cá tra đề cập đến tại hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 mới được tổ chức tại Cần Thơ…

Xuất khẩu có triển vọng
Với sự quan tâm, phối hợp của các ngành, các cấp, nỗ lực của người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh nên sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2011 đã đạt được kết quả cao. Tổng lượng giống sản xuất toàn vùng đạt gần 2,4 tỷ con cá giống, diện tích nuôi đạt 5.430 ha, sản lượng cá thu hoạch đạt 1.195.344 tấn, sản lượng các mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 600.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD. So với năm 2010, lượng cá giống ít biến động, diện tích nuôi tăng 30ha, sản lượng tăng khoảng 50.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tăng 400 triệu USD.
Nhận định về tình hình cá tra vào năm 2012, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Trong năm 2012, xuất khẩu cá tra sẽ không có nhiều biến động lớn. Cuộc khủng hoảng nợ công của thị trường EU sẽ khó có tác động lâu dài đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhờ có giá bán cạnh tranh so với nhiều loại thuỷ sản khác. Ngoài ra, cá tra trong năm nay còn có nhiều thị trường tiêu thụ mới là các nước Châu Mỹ như Mexico, Brazil, Canada nên việc tìm đầu ra cho mặt hàng thuỷ sản này không gặp nhiều khó khăn.
Việc sản xuất và tiêu thụ cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn về vốn
 
Còn theo ông Trần Văn Hậu, Giám đốc điều hành Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) thì, cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu là thời cơ tăng khả năng tiêu thụ cho sản phẩm cá tra Việt Nam do EU giảm hỗ trợ cho các công ty thuỷ sản Châu Âu. Từ đó người tiêu dùng tìm nguồn cung thủy sản giá hợp lý như chúng ta...
Với tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt từ 1,85 đến 2 tỷ USD. Theo đó, khu vực ĐBSCL sẽ đưa diện tích nuôi cá tra từ 5.500-6.000 ha, trong đó 60% diện tích được cấp chứng chỉ tiên tiến (VietGap, Global GAP, SQF1000CM, ASC…) và sản lượng đạt từ 1,2-1,5 triệu tấn.
Nhưng khó khăn ở khâu vốn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2011, hoạt động sản xuất cá tra còn gặp khó khăn về vốn. Để phát triển sản xuất người nuôi rất cần vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Chính phủ (mức đầu tư 6-10 tỷ đồng/ha), nhưng do tài sản đã thế chấp ngân hàng nên không có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay dẫn đến nhiều hộ nuôi không có vốn để thả lại. Hiện tượng treo hồ ao nuôi còn phổ biến ở một số địa phương tập trung vào các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ.
Theo nhiều ý kiến của doanh nghiệp, nông dân cho rằng, hoạt động nuôi cá tra trong năm 2012 cũng còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty Cổ phần Cafatex (Hậu Giang) cho biết: Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cá tra không được thuận lợi. Với lãi suất ngân hàng 18 -20% là rất khó cho doanh nghiệp bởi lợi nhuận của họ không phải lúc nào cũng đảm bảo trả lãi cho ngân hàng trong thời gian dài.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm, vốn là một trong những khâu quan trọng để dẫn đến việc thành công hay thất bại trong chế biến và tiêu thụ cá tra. Nếu người nuôi không tiếp cận được vốn vay để mua thức ăn, thuốc thú y…thì sẽ dẫn đến kéo dài thời gian nuôi và đẩy giá thành lên cao. Thời gian nuôi cá tra đến khi thu hoạch lên đến từ 8 đến 10 tháng, so với chỉ có 6 tháng như trước đây. Việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, có thể đẩy giá thành lên cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá tra.
Ông Dương ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) khẳng định: Năm 2012, khó khăn nhất là vốn cho hoạt động cá tra. Những năm trước đây nó có 3 nguồn vốn là cá thể, doanh nghiệp thức ăn đầu tư cho nông dân, và vay ngân hàng. Nhưng từ cuối năm 2011, nguồn vốn này chỉ có vốn vay ngân hàng do doanh nghiệp chế biến thức ăn chỉ vay được vốn phục vụ cho sản xuất của họ. Hạn mức vay không nhiều chỉ vài trăm triệu đồng cho 1 ha trong khi đó chi phí con giống, đào ao đã tới 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải đóng chi phí kiểm tra, kiểm soát chất lượng các lô hàng, phí môi trường,…
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Phải thừa nhận trong năm 2011, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra đã có những bước phát triển đáng kể nhưng vấn đề về vốn, chống phá giá, những rào cản kỹ thuật, cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn xảy ra. Vì vậy, trong năm 2012, người nuôi, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải tuân thủ quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm,…Các kiến nghị của các doanh nghiệp, nông dân về vốn, Bộ sẽ trình Chính phủ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Thủy sản phải chủ động thống kê, thông tin về giá, chất lượng, biến động thị trường cho nông dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời tránh tình trạng dân không biết thị trường, người chế biến không biết bao nhiêu cá.
Theo Quân đội nhân dân

Nguồn:http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/26/26/175580/Default.aspx


Tin khác