Ông Trần Quang Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Bố Trạch, cho biết: “Chương trình xây dựng NTM được triển khai chưa lâu nhưng tại xã Hoàn Trạch đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Ở đây cứ ra ngõ là gặp điển hình hiến đất làm đường".
|
Tuyến đường được mở rộng ở xã Hoàn Trạch (Bố Trạch)
|
Những con đường của lòng dân
Hệ thống đường liên thôn của Hoàn Trạch gồm có 55 km với 5 tuyến dọc, 12 tuyến ngang, quy hoạch theo ô bàn cờ rất khoa học. Trước năm 2010, chiều rộng phổ biến của đường chính là 6m, đường phụ 4m. Hiện nay, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các tuyến đường đều được mở rộng thêm 2m.
Qua gặp gỡ, trao đổi với đại diện chính quyền địa phương và một số hộ dân ở đây, được biết đối với người dân Hoàn Trạch, không chỉ đến bây giờ mới thực hiện chủ trương mở rộng đường thôn, ngõ xóm. Thấy chúng tôi ngắm nghía một ngã tư được mở rộng như ở phố, ông Nguyễn Quyết, một đảng viên cao tuổi ở thôn 6, đến bắt chuyện. Ông Quyết hồ hởi: "Từ năm 2009, thực hiện theo quy hoạch mở rộng đường của xã, gia đình tôi đã tự giác hiến gần 100m2 đất".
Không chỉ vài hộ mà hầu hết các gia đình ở Hoàn Trạch đều cho rằng việc mở rộng đường là mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho bộ mặt của địa phương. Dù mỗi lần hiến đất là tốn thêm một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng hàng rào nhưng tất cả các hộ dân đều tự giác trong phong trào này. "Năm nay, gia đình tôi lại tiếp tục dời hàng rào vào sâu hơn 1m nữa để bảo đảm tuyến đường dọc rộng 8m, đường ngang rộng 6m như quy hoạch chung", ông Quyết nói thêm.
Cùng tham gia góp chuyện với chúng tôi là anh Lê Văn Tư, thợ nề đang xây dựng hàng rào cho gia đình ông Quyết, cho hay: “Nhà tôi ở thôn 7, năm trước đã phá hàng rào để hiến đất mở rộng đường. Năm nay lại hiến tiếp vì tiêu chuẩn đường rộng hơn. Hàng rào đành phá đi làm lại. Tính ra, gia đình hiến khoảng 120m2 đất vườn”.
Mỗi lần hiến đất, phá dỡ hàng rào, tốn kém không nhỏ, nhưng gia đình anh có yêu cầu hỗ trợ hay đền bù gì không? Nghe chúng tôi hỏi, anh Tư cười: “Cả làng cả xã tôi ai cũng làm vậy nên cũng chẳng ai nghĩ đến việc đòi hỏi chi cả. Cũng không có chi là điển hình mô. Nếu nói hiến đất làm đường để thực hiện Chương trình NTM là điển hình thì cả xã tôi có khoảng 95% số hộ điển hình. 5% số hộ còn lại là do không “dính” đến quy hoạch, chứ nếu có thì tôi tin họ cũng sẽ rất sẵn lòng hiến luôn thôi”.
Cũng như các gia đình nói trên, nhiều gia đình ở thôn 5 cũng đang trong quá trình xây mới hàng rào. Tại gia đình chị Trần Thị Hoa, mọi người đang khẩn trương hoàn thành nốt đoạn hàng rào vừa được phá dỡ cách đó mấy hôm và xây lại hàng rào mới. Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích đất được các hộ dân hiến để làm đường là hàng chục ngàn mét vuông. Những con đường liên thôn trở nên thoáng đãng, thẳng tắp. Hệ thống đường dọc, đường ngang được bố trí theo ô bàn cờ khiến cho người dễ lạc đường nhất cũng cảm thấy tự tin khi đến đây.
Làm tốt, thưởng ngay
Chúng tôi cũng đã có dịp về xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch). Phong trào hiến đất làm đường ở đây cũng được đánh giá rất cao. Ông Hồ Viết Lâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, cho hay: “Quảng Phương có gần 75 km đường giao thông. Nếu bỏ tiền giải phóng mặt bằng, làm đường theo quy chuẩn của NTM cho toàn bộ chiều dài này cũng phải mất chừng 60 tỷ đồng. Trong năm qua, bà con đã chung sức, chung lòng, tự nguyện hiến đất, tài sản làm đường được hơn 12 km theo đúng chuẩn".
Nói về phong trào hiến đất làm đường xây dựng NTM ở Quảng Bình, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho hay: "Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát động sâu rộng phong trào hiến đất làm đường giao thông trong toàn tỉnh, với sự nhập cuộc tích cực của các đoàn thể và chính quyền cơ sở. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ quan tâm, hỗ trợ bằng việc ưu tiên vốn để xây dựng hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi; biểu dương, khen thưởng những cá nhân hiến đất với diện tích lớn, những địa phương làm tốt công tác vận động, huy động sức dân trong xây dựng giao thông nông thôn”.
Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã trở nên rộng khắp trong tỉnh Quảng Bình. Điển hình như xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy); Quảng Phương (huyện Quảng Trạch); Hoàn Trạch (Bố Trạch); Phong Hóa (Tuyên Hóa)...
|
Để khuyến khích phong trào này phát triển, nhiều địa phương đã có phương án thưởng điển hình bằng nhiều hình thức. Ông Lê Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, cho biết: “Huyện đã có chủ trương thưởng ngay để động viên các địa phương làm tốt việc xây dựng đường giao thông nông thôn đúng quy chuẩn xây dựng NTM. Chúng tôi đang thưởng cho bà con ở xã Phong Hóa 100 tấn xi măng. Số xi măng thưởng này sẽ được bà con đưa vào làm đường bê tông. Những địa phương làm tốt tiếp theo cũng có những phần thưởng xứng đáng".
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/2/90029/Ra-ngo-gap-dien-hinh.aspx