Sản xuất tăng tốc đầu năm - Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp

10/02/2012

Duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát và giảm nhập siêu là những mục tiêu đang được các doanh nghiệp, bộ ngành triển khai quyết liệt trong những tháng đầu năm 2012.

Khó đâu tháo đấy
Theo Bộ Công thương, tháng 1, sản xuất sản phẩm tăng giảm không đều trong từng ngành hàng so với cùng kỳ và cũng không tập trung vào các sản phẩm phục vụ tết như mọi năm. Một số sản phẩm phục vụ sản xuất tăng như: khí hóa lỏng (tăng 26,3%), nhựa polypropylen (14,4%), động cơ diesel (16,1%)... Các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp giảm đáng kể, phần do một số công ty ngừng sản xuất vì lượng tồn kho nhiều (lân Ninh Bình, hóa chất Việt Trì) như: phân đạm urea giảm 20,3%, phân lân giảm 10,2%, riêng DAP tăng 32,9%. Nguyên phụ liệu ngành dệt may xuất khẩu giảm đáng kể một phần do các hợp đồng xuất khẩu chưa khởi động (vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo giảm 22%, tương ứng với sản phẩm quần áo các loại giảm 10,9%). Sự khó khăn còn thể hiện qua việc mặc dù là tháng tết nhưng các sản phẩm tiêu dùng như thuốc lá, đồ uống, dầu thực vật, bột giặt... cũng giảm mạnh do sức mua giảm.
Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu giảm so cùng kỳ năm ngoái.
 
Về xuất khẩu, theo kế hoạch, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tăng 13% và đạt khoảng 108,8 tỷ USD. Trong đó, hai nhóm xuất khẩu quan trọng là nông, thủy sản (dự kiến đạt 20,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2011) và nhóm hàng công nghiệp chế biến (kế hoạch đạt 67,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2011). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, hàng loạt khó khăn mà nhóm hàng nông, thủy sản phải gặp trong năm 2012 là giá có thể không tăng do đã ở mức cao trong năm 2011, đồng thời lượng xuất khẩu cũng không cao do hạn chế về diện tích canh tác và sản lượng. Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, dù Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử, song nhiều mặt hàng trong nhóm vẫn phụ thuộc nhiều nguyên liệu nhập khẩu, gia công trong ngành còn lớn.
Tại cuộc họp giao ban tháng 1 của Bộ Công thương diễn ra đầu tuần này, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ cho biết, xuất khẩu sản phẩm gỗ tháng 1 đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn do lãi suất cao, khó tiếp cận và sẽ dẫn đến nguy cơ giảm xuất khẩu trong quý 1 này. Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng nhìn nhận, việc mở rộng thị trường xuất thông qua các chương trình xúc tiến thương mại cũng đang gặp khó khăn do kinh phí cho chương trình này bị thu hẹp, giảm từ 55 tỷ đồng còn 15 tỷ đồng năm 2012.
Nhằm tiếp tục triển khai và hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp hoàn thành các kế hoạch năm 2012, theo Bộ Công thương, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 sẽ khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô. 
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, trong những khó khăn của hoạt động sản xuất, xuất khẩu đầu năm, các đơn vị cần có nhiều biện pháp khắc phục khó khăn và nếu khó khăn vượt khả năng thì phản ánh với bộ để xem xét giải quyết. Nếu những khó khăn đó thuộc thẩm quyền thuộc bộ khác, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc phối hợp cùng bộ liên quan tháo gỡ khó khăn. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dù trong tình huống nào cũng phải thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, đảm bảo nguồn hàng cho thị trường trong nước.
Cải tiến thủ tục
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp quý 1, 2-2011 của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đến lần lượt cuối tháng 7 và 10-2012. Theo ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc gia hạn nộp thuế theo đề xuất này sẽ tạo điện kiện cho các doanh nghiệp đã được gia hạn năm 2011 có thêm vốn để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; thủ tục gia hạn nộp thuế đơn giản hơn và không ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2012. Với giải pháp tiếp tục gia hạn nộp thuế TNDN và được thực hiện đồng bộ với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng sẽ phát huy hiệu quả của chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Sản xuất ti vi tại Công ty VTB chiều 8-2.
 
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc, năm 2012, ngành hải quan sẽ triển khai thủ tục hải quan điện tử một cách chất lượng, cả về chiều rộng và chiều sâu. Cụ thể sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, với mục tiêu: tích hợp hệ thống phần mềm theo mô hình xử lý dữ liệu tập trung, trong đó, tiếp nhận khai hải quan điện tử; thu thuế xuất nhập khẩu điện tử; giấy phép điện tử phục vụ hải quan điện tử. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan sẽ có chỉ số để đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng để từ đó có thể tiếp tục đẩy mạnh việc phục vụ được tốt hơn.
Còn theo ông Vũ Văn Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, năm 2012 sẽ là năm tăng tốc kê khai thuế qua mạng nhằm giảm thiểu các chi phí cho doanh nghiệp. Để làm được điều đó, ngành thuế sẽ nâng cấp đường truyền, hạ tầng tiếp nhận tờ khai của doanh nghiệp, tránh hiện tượng tắc nghẽn mạng, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi kê khai thuế...
Theo Sài Gòn giải phóng

Nguồn:http://www.sggp.org.vn/kinhte/2012/2/280591/


Tin khác