Chính thức bước vào tuần làm việc thứ hai sau thời gian nghỉ “xả hơi” dài ngày đón Tết Nguyên đán đầy ấm áp, không khí làm việc tại các công xưởng bắt đầu rộn ràng trở lại.
Khoảng 7 giờ sáng, cả hai cổng chính dẫn vào Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A trên quốc lộ 1 và đường Quách Điêu thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM đã nghe rộn rã tiếng nói cười của hàng chục tốp công nhân với đủ loại đồng phục hối hả vào các cổng nhà máy. Hàng loạt xe tải, xe kéo rờ-moóc chất đầy hàng hóa chạy rầm rầm trên các tuyến đường trong khu công nghiệp...
|
Sản xuất đầu năm tại Công ty Giấy Việt Trung.
|
Rẽ vào bên trong phân xưởng của Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung (Vipacex) nằm trên đường B2 KCN Vĩnh Lộc A, không khí làm việc khá khẩn trương. Giám đốc Vipacex Đỗ Thanh Hùng cho biết, đến mùng 8 tết hơn 300 công nhân của công ty đã có mặt đông đủ. Ngoài những phong bì lì xì đầu năm, ban giám đốc công ty đã nâng từ 200.000 lên 300.000 đồng/người hỗ trợ tiền thuê phòng trọ, cộng với khẩu phần ăn sáng cho mỗi công nhân.
“So với các năm trước, năm nay không khí sản xuất hừng hực ngay từ những ngày đầu xuân. Việc trích kinh phí để hỗ trợ công nhân trong những ngày đầu xuân là nhằm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp. Từ đó, công nhân xem doanh nghiệp như là nhà và yên tâm gắn bó làm việc lâu dài. Dẫu trong tình hình kinh tế hiện nay, ngay chính doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, phải tiết giảm nhiều chi phí khác”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, thời điểm đầu năm, lượng đặt hàng bao bì của đối tác tương đối chậm. Điều này cho thấy sức mua thị trường không cao, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, may mặc, da giày, thực phẩm... Tuy nhiên, nếu so với hợp đồng mà các đối tác đã tái ký nguyên năm 2012 thì không giảm so với năm 2011. Theo đó, kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty năm nay sẽ cố gắng tăng 15%.
Tại phân xưởng sản xuất hàng điện tử của Công ty CP Điện tử Tân Bình (VTB), công nhân chuẩn bị lô hàng máy tính, ti vi, tủ lạnh... xuất khẩu đầu tiên của năm 2012. Tổng Giám đốc VTB Ngô Văn Vị cho biết, những đơn hàng này trị giá khoảng 500.000 USD được ký kết đợt 1 với phía đối tác Cuba trong quý 1. Sau khi kết thúc lô hàng này sẽ triển khai tiếp lô hàng theo hợp đồng lần 2 là 600.000 USD và 700.000 USD cho lô hàng đợt 3 đang đàm phán để thực hiện vào gần cuối năm.
Đột phá vào cuối năm
Ông Ngô Văn Vị cho rằng, nhìn chung sức mua hàng điện tử hiện nay khá chậm, do đó số lượng hàng tồn tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, những tháng cuối năm sẽ có bước đột phá khi các chính sách triển khai dần đi vào cuộc sống, trong đó có sự tác động tích cực của việc hạ lãi suất; dự báo sự phục hồi của nền kinh của thế giới. Đồng quan điểm này, ông Đỗ Thanh Hùng cho rằng, vừa qua Chính phủ đã có những chính sách điều hành hợp lý, đặc biệt là vấn đề lãi suất.
Trong khi nhiều lĩnh vực khác đang trông chờ đột phá vào những tháng cuối năm, thì Tổng Giám đốc Công ty CP Hợp tác kinh tế và xuất khẩu (Savimex) Bùi Ngọc Quới cho biết, ngay từ những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ đi Mỹ, Nhật của công ty đã vượt quá năng lực sản xuất. Hiện công ty lên kế hoạch chuyển 20%-30% đơn hàng gia công cho các đối tác có năng lực.
Dự kiến doanh thu năm 2012 của Savimex sẽ đạt mức tăng trưởng 15%-20%, trong đó xuất khẩu khoảng 20 triệu USD; riêng đồ gỗ nội địa và bao bì sẽ đạt 100 tỷ đồng.
Tại thông cáo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2012, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thống nhất trong tháng 2 và các tháng tiếp theo, một trong những ưu tiên sẽ là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó tập trung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu mà dù bị khủng hoảng nhưng thị trường quốc tế vẫn có nhu cầu, để vừa phát triển kinh tế, vừa tạo việc làm và góp phần ổn định xã hội.
|
Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, hiện Savimex canh cánh nỗi lo khó tiếp cận lãi suất và nguồn lao động. “Với mức lãi suất cho vay dài hạn trên 20% thì khó doanh nghiệp nào dám đụng vào. Điều này cũng cho thấy doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Còn nguồn lao động, nếu Nhà nước không có chính sách ưu đãi về quỹ đất để doanh nghiệp bỏ kinh phí xây nhà trọ cho công nhân sẽ khó giữ chân lao động”, ông Quới nói.
Theo Sài Gòn giải phóng
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/kinhte/2012/2/280651/