Năm 2012: Tập trung đào tạo nghề cho 600.000 lao động nông thôn

08/02/2012

Sau hai năm thực hiện, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” đã gặt hái được những thành công bước đầu và có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng LĐNT. Trong năm 2012, chương trình đặt mục tiêu tiếp tục hỗ trợ dạy nghề cho 600.000 lao động.

Đào tạo nghề thủ công mỹ nghề cho LĐNT ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, qua hai năm thực hiện Đề án, cả nước đã có gần 800.000 LĐNT được tham gia học nghề với chương trình học chặt chẽ. Trong đó, có 46% học các nghề nông nghiệp và 54% học các nghề phi nông nghiệp. 54 tỉnh, thành phố có số lao động sau khi học có việc làm đạt hơn 70%. Nhiều LĐNT sau học nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào trong sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tại một số địa phương, nhất là ở các xã thí điểm, các mô hình dạy nghề điểm đã hình thành mô hình sản xuất mới, trong đó những nông dân được qua đào tạo nghề là lực lượng nòng cốt. Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhiều nơi đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia tích cực, huy động được các nguồn lực xã hội tham gia vào dạy nghề và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề; hỗ trợ và tạo điều kiện cho người học sau khi học nghề được tham gia tổ chức sản xuất, kinh doanh…
Khách quan đánh giá, trong hai năm qua, công tác dạy nghề cho LĐNT mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các địa phương khác vẫn còn có hạn chế. Đó đây vẫn xảy ra tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người học; công tác đào tạo chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Không ít địa phương chưa hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, không đạt chỉ tiêu về số lượng dạy nghề cho LĐNT. Trong đó có tới 9 tỉnh, thành phố không đạt tỷ lệ LĐNT học nghề có việc làm theo mục tiêu của Đề án.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác dạy nghề cho LĐNT, chưa quan tâm lãnh đạo kịp thời, đúng mức. Bên cạnh đó, một bộ phận LĐNT chưa hiểu đầy đủ về chính sách hỗ trợ của nhà nước và lợi ích của học nghề nên chưa chủ động, tích cực tham gia học. Ngoài ra, trong tổ chức thực hiện vẫn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành liên quan, nhất là cơ quan chuyên môn ở địa phương. Một số địa phương chưa tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện cho người học sau khi học nghề...
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục, bước sang năm 2012, chương trình đặt mục tiêu sẽ hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 600.000 LĐNT, trong đó có ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo; tiếp tục tăng cường năng lực cho các cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐNT; nhân rộng các mô hình thí điểm và tiếp tục thí điểm một số mô hình khác… Để có thể đạt được kế hoạch này, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT đã và đang khẩn trương hoàn thành để ban hành văn bản về mục tiêu, yêu cầu thực hiện Đề án cả năm 2012 gửi các địa phương thực hiện. Về phần mình, các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành kế hoạch trong quý I để làm cơ sở triển khai. Đặc biệt, không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học. Ngoài ra, cần phải tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, nghiên cứu xây dựng mô hình dạy nghề gắn với làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới và các doanh nghiệp nhằm sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế khá cao mà tận dụng được nhân lực nông nhàn, nguyên liệu sẵn có như: Trồng nấm rơm, trồng cây thanh long, lúa năng suất cao, sản xuất hàng mây tre đan, may xuất khẩu, cơ khí nông nghiệp... Riêng về phía người học, trước khi đăng ký học nghề gì, thì phải xác định rõ đầu ra của công việc.
Nếu các địa phương trong cả nước tập trung khắc phục những yếu kém nêu trên và nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra, thì chỉ tiêu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 600.000 LĐNT sẽ thành hiện thực. Đây sẽ là động lực quan trọng để xóa đói, giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn.
Theo Quân đội nhân dân

Nguồn:http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/175459/Default.aspx


Tin khác