Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao: Nền chăn nuôi xuất phát rất thấp

08/02/2012

Luôn tự tếu táo nhận Cục Chăn nuôi là Cục còn nhỏ bên cạnh Cục to tướng là Cục Trồng trọt, ông Hoàng Kim Giao đã cởi mở trao đổi với NNVN về thực trạng của lĩnh vực giống vật nuôi ở Việt Nam…

Ông Hoàng Kim Giao
Ông nghĩ sao về chuyện nhiều người đánh giá hệ thống giống vật nuôi của ta hiện đang giật lùi, thua cả thời bao cấp?
Theo tôi, về số lượng trang trại do nhà nước đầu tư không bằng trước đây, trước đây theo hệ thống từ TW đến cấp I ở tỉnh và xuống đến huyện là cấp II. Hiện hệ thống này không còn, một số ít tỉnh có Trung tâm giống, trong Trung tâm giống có các trại: trại lợn, trại gia cầm hoặc cả lợn và gia cầm. Quy mô các trại rất khác nhau, tùy theo nguồn ngân sách của tỉnh.
Bên cạnh các trại giống được đầu tư của nhà nước 100% như trên vẫn còn có những trại đã được cổ phần hóa, thay vào đó là các trại giống tư nhân. Các trại giống tư nhân, Cty trong và ngoài nước phát triển nhiều hơn, đa dạng hơn, quy mô, mức độ đầu tư lớn hơn nhiều nên chất lượng giống vượt xa hơn.
Ví dụ điển hình là bò sữa, những năm thập kỷ 90 bình quân 1.800-2.500 lít/chu kỳ vắt sữa 305 ngày, năm 2005 năng suất là 2.800-3.000 lít/chu kỳ, bây giờ là 4.000-4.200 lít/chu kỳ, nhiều bò đạt 10.000-12.000lít/chu kỳ.
Về lợn, trước những năm 1990 ít người bàn tới lợn ngoại, còn bây giờ phần lớn (95%) lợn nuôi thịt là lợn lai và lợn ngoại. Mức độ tiêu tốn thức ăn cho một kg tăng trọng chỉ bằng 60-70% so với trước.
Bò thịt, bò lai Zebu, nếu không có chương trình giống, tỷ lệ bò lai chỉ tăng 0,5-0,6%/năm. Khi có chương trình giống, tỷ lệ này tăng được 1,5-2%/năm, tỷ lệ bò lai hiện khoảng 40%, tầm vóc bò lai tăng 20% so với bò địa phương. Giá trị của ngành chăn nuôi chiếm 28-30% giá trị GDP trong nông nghiệp.
Độ phổ cập, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật chăn nuôi rất nhanh. Thời kỳ bao cấp chỉ có vài cơ sở bán giống, bây giờ riêng về lợn có gần 140 cơ sở trại giống trong đó chủ yếu là tư nhân trong nước và ngoài nước. Tại sao lợn, bò sữa phát triển nhanh vì hệ thống thụ tinh nhân tạo phát triển mạnh, nhất là khi các công ty nước ngoài tham gia vào. Hệ thống thụ tinh nhân tạo đối với lợn thì được, riêng bò thịt số lượng các trạm không bằng xưa vì bị thu hẹp đi, trước làm theo tổ chức, giờ làm theo yêu cầu.
Giống trâu có tuyển chọn trâu đực, luân chuyển vùng. Giống gà, lông màu còn được, gà trắng yếu, vì chúng ta đã không quan tâm đến nó nhiều năm. Năm 2011 có 24 tỉ hỗ trợ chương trình giống gốc, chương trình giống bò sữa, bò thịt, gia cầm, lợn khoảng 30-40 tỉ. Số kinh phí này không thấm gì so với sự phát triển của giống và càng không thể so sánh được với các công ty tư nhân dám bỏ vào hàng chục, hàng trăm triệu USD cho việc phát triển giống…
Được biết trong một số cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát chưa bằng lòng với những gì ngành chăn nuôi làm được, thậm chí hễ gặp Cục trưởng Chăn nuôi là Bộ trưởng gọi đùa “ông thả rông”?
Bộ trưởng cáu vì tốc độ tăng trưởng ngành chậm, dịch bệnh nổ ra liên miên, giống năng suất thấp. Nhưng cũng nên hiểu rằng chúng ta xuất phát từ nền chăn nuôi rất thấp, quy mô nhỏ, phân tán đa dạng về đầu vào, phong phú về đầu ra, chăn nuôi chịu ảnh hưởng của hàng trăm nguyên nhân, tác động. Tổ chức phát triển được như vậy đã là thành công, muốn phát triển mạnh hơn phải có lộ trình, đồng thời phụ thuộc vào điều kiện, trình độ ở mỗi địa phương và mấu chốt là thiếu đầu tư bài bản.
Mặt khác, theo tôi ngành thống kê chưa phản ánh đúng vòng quay sản xuất trong chăn nuôi. Nếu phản ánh đúng, tăng trưởng của ngành chăn nuôi phải đạt 8,5-9%/năm. Ví dụ vòng quay của gia cầm bình quân phải 3 lần trong năm (riêng gà thịt trắng hơn 5 lần/năm) thống kê chỉ có 1,5 lần; lợn thịt phải 2-2,2 lứa/năm, thống kê chỉ có 1,7 lứa…
 Riêng gần 12 triệu tấn thức ăn công nghiệp đã cho 4,0-4,2 triệu tấn thịt hơi cộng với hơn 1 triệu tấn nữa từ nguồn thức ăn tinh tự phối trộn. Như vậy, tổng lượng thịt hơi sản xuất ra phải đạt 5,2-5,5 triệu tấn, không thể chỉ gần 4,3 triệu tấn như số liệu thống kê đưa ra.
Giữa các đợt đỉnh điểm sốt giá giống, người nông dân kêu trời, vậy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ra sao?
Các đợt sốt giá chúng ta đều lực bất tòng tâm vì số lượng giống trong các cơ sở của nhà nước chiếm tỷ lệ quá ít không thể khống chế được giá nên sốt là điều đương nhiên. Không phải chúng ta không có giống tốt nhưng số lượng quá ít, quá mỏng so với nhu cầu. Nông trường Việt Mông bỏ hết giống bò sang trồng chè, trại lợn Đông Triều sa sút hẳn, một số trại khác lại thu hẹp.
Đầu tư giống phải là vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Tập quán chăn nuôi thả rông giờ muốn thay đổi phải xây dựng chính sách đi kèm, chỉ nói không làm sao thay đổi được? Thả rông là tất yếu. Một đồng tiền cho nghiên cứu phải một trăm đồng tiền cho chuyển giao chứ cứ xây dựng mô hình nghiên cứu xong rồi để lại đấy, xây dựng mô hình xong coi như là xong như mô hình nuôi vịt an toàn, mô hình lợn siêu nạc...
So với khu vực Đông Nam Á, vịt Việt Nam là số một, bò sữa tương đương, lợn tạm được, nếu có thua, thua ít thôi; bò thịt thua rõ. Một con bò của nước ngoài bằng ba con bò mình cả về khối lượng lẫn giá trị. Riêng về đầu tư cho giống trâu như một giọt nước trong bể nước. Đất đã giao rồi, rừng cũng đã giao rồi, bãi cỏ thu hẹp, ít bãi chăn thả, cơ hội trâu “yêu” nhau cũng khó, trâu động dục cũng không có bạn tình.
Định hướng về giống trong thời gian tới thế nào thưa ông?
Không tràn lan mà tập trung vào những vật nuôi chính như lợn; gà (thịt và trứng); vịt thịt; bò sữa; bò thịt. Các giống vật nuôi khác tùy theo lợi thế của từng địa phương. Khuyến khích các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển giống, kể cả giống gốc (cụ kỵ, ông bà, đàn hạt nhân) và thực tế những năm qua chúng ta đã và đang làm như vậy.
Xã hội hóa công tác giống là hướng thúc đẩy nhanh nhất sự phát triển của giống. Nhà nước chỉ quản lý tiêu chuẩn chất lượng giống và tăng cường công tác kiểm tra giám sát giống. Làm như vậy hệ thống giống nhà nước sẽ dần dần nhường chỗ cho các công ty tư nhân và tập đoàn chuyên làm giống.
Trong thời gian qua, chúng ta còn có các cơ sở giống với 100% vốn nhà nước hoặc một phần vốn vì còn phải giải quyết nhiều vấn đề từ thời kỳ bao cấp để lại, phục vụ nghiên cứu, xóa đói giảm nghèo… Vì thế chúng ta có đầu tư cho chương trình giống, có trợ giá giống gốc và chỉ quản lý được một phần rất nhỏ giống gốc thôi (cụ kỵ, ông bà, đàn hạt nhân).
Trên thực tế tiền đầu tư cho các nội dung trên không nhiều, không bằng một công ty tư nhân đầu tư cho một trại giống lợn hoặc gia cầm hàng chục triệu USD. Hiện nay, nước ta có rất nhiều công ty tư nhân như vậy.
Trong vòng 15-20 năm nữa Nhà nước sẽ dần dần giảm và tiến tới không đầu tư bằng ngân sách vào các giống gia cầm, sau đó đến các giống lợn (kể cả giống gốc), đối với giống bò đầu tư hỗ trợ một phần cho đực giống; đầu tư cho hệ thống thụ tinh nhân tạo lợn và trâu sau này cũng do tư nhân đảm nhiệm. Nhà nước cần đầu tư cho việc nghiên cứu bảo tồn giống vật nuôi quý, hiếm, các giống nội địa bị mất đi, bảo tồn sự đa dạng vật nuôi, tăng cường hoạt động của Trung tâm khảo, kiểm nghiệm và kiểm định giống vật nuôi…
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/89860/Cuc-truong-Cuc-Chan-nuoi-Hoang-Kim-Giao-Nen-chan-nuoi-xuat-phat-rat-thap.aspx


Tin khác